Chiều 21/4, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết: Ngành đường sắt đã chính thức phát lệnh cho tất cả tàu lưu thông qua hầm Bãi Gió vào 18h15 chiều tối cùng ngày, sau khi tiến hành thông hầm kỹ thuật và thử tải bằng các toa tàu hàng đi qua hầm đường sắt Bãi Gió.

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam sau gần 10 ngày sạt lở hầm Bãi Gió - Ảnh 1.

Hầm đường sắt Bãi Gió chính thức thông tàu vào chiều tối 21/4.

Theo ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, trước khi cho các chuyến tàu lưu thông chính thức, ngành đường sắt đã tiến hành thử tải bằng các đoàn tàu hàng với các cấp tốc độ khác nhau với mỗi lần 3 lượt gồm 5 km/h, 10 km/h và 15 km/h. Sau khoảng thời gian kiểm tra, mọi thứ đều đảm bảo, không có sự cố phát sinh.

“Dự kiến tàu khi lưu thông qua hầm sẽ được chạy với tốc độ 15 km/h, sau đó sẽ nâng tốc độ lên dần để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện tại đường bộ vẫn cấm ô tô do đang kiểm tra mức độ an toàn. Trong ngày 22/4, xe có thể lưu thông lại và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến địa chất ở hầm Bãi Gió”, ông Cảnh thông tin thêm.

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam sau gần 10 ngày sạt lở hầm Bãi Gió - Ảnh 2.

Hàng trăm người tại hiện trường chờ đợi khoảng khắc hầm Bãi Gió thông tàu sau gần 10 ngày nỗ lực khắc phục sạt lở.

Gần 10 ngày qua kể từ khi hầm Bãi Gió sạt lở, các đơn vị thi công đã làm việc xuyên ngày đêm để nhanh chóng khắc phục sự cố. Các đơn vị thi công đã thực hiện được 39 mũi khoan, trong đó có 2 mũi khoan từ sườn núi xuống và 37 mũi khoan bên trong hầm để bơm bê tông áp lực cao, tạo sự kết dính ổn định. Bê tông được bơm vào các mũi khoan kết dính đến đâu thì thu dọn đất đá sạt lở đến đó, đồng thời lắp đặt các khung sắt chống đỡ trần hầm và phun bê tông gia cố để đảm bảo an toàn.

Trước đó, khoảng 13h ngày 12/4, mái hầm đường sắt Bãi Gió bất ngờ bị sạt kéo theo khoảng 180m3 đất, đá bịt kín hầm với chiều dài khoảng 10m. Rất may thời điểm xảy ra sạt lở không có tàu đi qua. Ngay sau đó, các đơn vị liên quan đã huy động nhiều kỹ sư, công nhân cùng máy móc nỗ lực thông hầm.

Trong thời gian sửa chữa, ngành đường sắt đã phối hợp với tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa huy động hàng trăm ô tô trung chuyển khách đi tàu giữa ga Giã (tỉnh Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cho đến khi tàu được thông tuyến. Từ ngày 12/4 đến nay, ngành đường sắt đã hỗ trợ trung chuyển gần 21.000 hành khách trên 73 đoàn tàu bằng ô tô để tiếp tục hành trình và hơn 30 tàu hàng bị gián đoạn.