Nhận được thư của độc giả ha_quynh bày tỏ niềm vui: “Bo nhà em từ khi mới sinh thóp đã khá bé. Bây giờ mới 8 tháng thóp con đã liền rồi. Em tự hào lắm. Gặp ai em cũng khoe vì cho rằng trẻ con thóp càng to thì càng yếu, liền càng sớm chứng tỏ bé cứng cáp, đủ canxi”.
Thế nhưng, đằng sau đó lại thêm nỗi lo khi một người bạn nói: "Bo liền thóp sớm thế này là não hết phát triển rồi". Điều này đã khiến bà mẹ trẻ hết sức lo lắng. Câu chuyện nhỏ này cũng thu hút được sự quan tâm của các phụ huynh khác có con nhỏ khác. Vậy thực hư vấn đề này là như thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, PGS – TS Ninh Thị Ứng (Nguyên Trưởng khoa Thần kinh – Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Phụ huynh nói con 8 tháng tuổi đã liền thóp nhưng chưa nói khám bác sĩ hay chưa. Tuy nhiên, phải xem đứa trẻ 8 tháng tuổi đã biết làm gì, biết lạ hay quen chưa. Việc cần thiết là đưa đứa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh nhi để kiểm tra, đo kích thước vòng đầu và đánh giá khả năng vận động của trẻ xem có phù hợp lứa tuổi không”.
Theo bác sĩ Ứng, có những bé liền thóp sớm nhưng não vẫn đang tiếp tục phát triển, vòng đầu vẫn có thể to thêm. “Với đứa trẻ, có kích thước vòng đầu không phù hợp lứa tuổi thì có thể bị chậm phát triển”, bác sĩ Ứng nhấn mạnh.
Trong những năm đầu đời, các phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, để đảm bảo cân nặng của bé phù hợp với tuổi. Việc đảm bảo cân đối dinh dưỡng, ăn thức ăn nhiều can xi sẽ đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Khi cân nặng phù hợp lứa tuổi thì kích thước vòng đầu, hộp sọ sẽ lớn lên và não phát triển.
Thóp không mỏng manh như nhiều người nghĩ vì có một hệ thống màng dày. Tuy nhiên, các bố mẹ vẫn tránh những va đập mạnh lên thóp của trẻ
Ngoài ra, các phụ huynh cần quan sát thóp của trẻ thường xuyên để phát hiện những vấn đề ở cơ quan thần kinh, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. “Nếu thóp căng phồng có thể trẻ bị tăng lực sọ não, nhiễm trùng thần kinh. Còn sau khi bị ỉa chảy, mất nước thì thóp trẻ bị lõm”, PGS – TS Ninh Thị Ứng đưa ra lời khuyên.