Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó nổi lên là tình trạng vi phạm trong sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học hay thường gọi là "sữa bột", tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã chủ động xác lập nhiều chuyên án đấu tranh. Mới đây, cơ quan này đã khởi tố 2 vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm đối với 2 doanh nghiệp sản xuất sữa bột, có trụ sở tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn sản xuất sữa giả của những người liên quan.

Loại sữa bột được quảng cáo có chức năng tăng cân, phát triển tầm vóc, đang được bán trên thị trường với mức giá trên dưới 500.000 đồng một sản phẩm.

Thủ đoạn sản xuất sữa bột kém chất lượng, thổi phồng công dụng - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm sữa bột thành phẩm không đảm bảo chất lượng như hồ sơ doanh nghiệp tự công bố tại Cục An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên theo tài liệu của cơ quan công an, nếu tính tổng các chi phí khi sản xuất, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 100.000 đồng, nghĩa là 1 vốn 4 lời. Doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận khi hàng bán chạy, nhưng không có nghĩa người mua sẽ nhận được sản phẩm đảm bảo chất lượng như những gì ghi trên nhãn.

"Hai doanh nghiệp này tự công bố sản phẩm để sản xuất các loại sữa, nhưng 2 công ty không thực hiện đúng các quy trình sản xuất, nên chất lượng sản phẩm đạt dưới 70% so với công bố", Thượng tá Dương Ngọc Thắng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, cho biết.

Theo quy định, với kết quả kiểm nghiệm không đạt 70% chất lượng như đã công bố, nghĩa là doanh nghiệp đã sản xuất sữa giả về chất lượng. Tài liệu điều tra xác định, khi lập hồ sơ công bố sản phẩm, các đối tượng đã chủ động công bố các chỉ tiêu chất lượng ở mức cao để thổi phồng tính năng, công dụng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty.

Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, để tối đa hóa lợi nhuận, cả 2 doanh nghiệp đã cố tình bớt xén nguyên liệu, tự ý thay đổi công thức sản xuất. Điều này là nguyên nhân trực tiếp khiến sản phẩm sữa bột thành phẩm không đảm bảo chất lượng như hồ sơ doanh nghiệp tự công bố tại Cục An toàn thực phẩm.

Buông tiền kiểm, lỏng hậu kiểm, nên nếu cơ quan điều tra không phát hiện, hàng nghìn hộp sữa kém chất lượng từ các dây chuyền này vẫn ung dung bán ra thị trường. Để tiêu thụ được nhiều sữa kém chất lượng, các đối tượng đã dùng nhiều chiêu trò quảng cáo sản phẩm như thuê người nổi tiếng, tổ chức tour du lịch 0 đồng lừa người tham gia mua sữa…

"Chúng tôi đã kêu gọi các hội viên động viên nhau tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện những sản phẩm, doanh nghiệp có sản phẩm nghi ngờ vi phạm phản ánh đến hiệp hội. Hiệp hội sẽ là cầu nối phản ánh tới các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường", bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho hay.

Chỉ tính riêng từ tháng 1/2023 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương đấu tranh, khám phá và xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa bột, trong đó đã khởi tố 5 vụ với 11 bị can, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm sữa kém chất lượng.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nhận định, để ngăn chặn sữa "giả", ngoài công tác điều tra, xử lý hình sự của cơ quan công an, cần thêm ý thức chấp hành pháp luật và lương tâm của chính các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất đồ ăn thức uống, nếu họ chỉ coi "khách hàng là thượng đế" thì chưa đủ, mà phải coi khách hàng như những người thân yêu trong gia đình.