Vợ chồng chị Khánh anh Thụ quê gốc ở Ý Yên – Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp đã được 6 năm. Do hoàn cảnh hai bên nội ngoại đều không có điều kiện nên trong cuộc sống anh chị luôn xác định tinh thần tự lực cánh sinh. Đồng thời, để đảm bảo tài chính luôn trong thế chủ động, anh chị đã lên kế hoạch chi tiết cho mọi khoản chi tiêu gia đình.

Chị Khánh làm công nhân trong một xưởng may với mức thu nhập 8 triệu/tháng. Chồng chị làm công nhân xây dựng có mức thu nhập trung bình 10 triệu/tháng. Hiện hai vợ chồng chị vẫn đang thuê nhà và nuôi 2 con nhỏ đang tuổi tới trường.

"Tổng thu nhập 18 triệu cho 4 người, trong đó nhà còn đi thuê, 2 con tuổi ăn học là khá eo hẹp nên bất cứ một khoản chi tiêu nào mình cũng đều phải cân nhắc thật kỹ. Thời gian đầu mới lên thành phố, hai vợ chồng mình thực sự đã rất đau đầu để cân đối tài chính.

Có những hôm mình với anh xã phải dành cả buổi tối để lên kế hoạch chi tiêu, chia từng khoản riêng một. Cái nào tiêu nhiều, cái nào tiêu ít, mỗi bữa chi bao nhiêu tiền là đủ mà vừa đảm bảo dinh dưỡng cho con lại không quá tốn kém. Rồi mỗi lần nhà có việc, tiền nong chi tiêu đối nội đối ngoại thế nào, vợ chồng đều đưa ra quy định rõ ràng để thực hiện theo", chị Khánh chia sẻ.

Thu nhập 18 triệu đồng/tháng, nuôi hai con nhỏ, nhà đi thuê nhưng cặp vợ chồng trẻ Nam Định vẫn để dành tích lũy 1 chỉ vàng/tháng bởi tuân thủ đúng nguyên tắc chi tiêu của mình - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Chi tiêu của nhà chị Khánh như sau:

Tiền nhà + điện nước: 3.5 triệu

Do không có điều kiện nên vợ chồng chị Khánh chọn thuê nhà xa một chút, chấp nhận bố mẹ đi làm xa, ưu tiên gần trường học của 2 con. "Mình thuê 1 căn nhà cấp 4 ở ngoại thành với giá 3 triệu. Nhà có 2 phòng ngủ, 1 gian bếp nhỏ với 1 nhà vệ sinh. Tuy diện tích hơi nhỏ nhưng phù hợp với sinh hoạt của gia đình mình. Điện nước tính theo hộ dân. Một tháng cả tiền nhà, điện nước vào nữa hết khoảng 3.5 triệu. Mình hợp đồng thuê nhà theo năm cho ổn định hơn".

Tiền ăn + ga: 4.2 triệu

Trung bình mỗi ngày chị Khánh chi 130k tiền ăn cho cả nhà, chủ yếu là 2 bữa sáng tối. Chỉ ngày chủ nhật gia đình chị mới ăn bữa trưa ở nhà. Còn lại bữa trưa các ngày trong tuần, vợ chồng chị ăn trên công ty, các con chị học bán trú ăn tại trường.

Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày chị luôn dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, hôm thì cơm rang, hôm cắm cơm nóng ăn với thức ăn còn thừa từ buổi tối hôm trước. Đặc biệt mỗi lần về quê, chị sẽ mua nhiều rau, củ, quả lên tích trong tủ lạnh để hàng ngày dùng dần.

Tiền học + sữa của con: 2.4 triệu

Hai bé nhà chị Khánh đều đang học mầm non. Một bé 2 tuổi, một bé 5 tuổi. Để giảm tải tiền học phí, anh chị gửi các con vào trường công. Tiền học phí, ăn bán trú của mỗi bé hết 1.2 triệu, tiền sữa 5 trăm nghìn. Tới hè, anh chị tranh thủ gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm giúp 2 tháng như thế tiết kiệm được 1 khoản đáng kể mà các con chị cũng được thay đổi môi trường sinh hoạt.

Đối nội đối ngoại: 1 triệu

Khoản tiền này sẽ giao động, bù trừ cho nhau theo từng tháng. Nếu tháng nào không dùng tới, anh chị sẽ dồn vào khoản tích lũy dự phòng.

Xăng xe: 400k

Để tiết kiệm chi phí đi lại, chị Khánh lựa chọn đi xe buýt, mua vé tháng để đi làm. Chồng chị đi xe máy cho chủ động công việc.

Mua sắm may mặc: 500k

Cả hai vợ chồng chị Khánh đi làm công ty, mặc đồng phụ của công nhân, các con chị mặc đồng phục trường. Một tuần chỉ có 1 buổi mặc trang phục tự chọn nên chị rất hạn chế chi tiêu vào may mặc. Chị cho biết, thường chị mua sắm quần áo theo mùa. Mỗi mùa chị sẽ mua cho các con 3 bộ quần áo, vợ chồng chị 2 bộ, như thế là đủ.

Thuốc men: 1 triệu

Khoản tiền này có tháng dùng tới có tháng không. Nếu tháng nào không dùng tới, chị cũng sẽ dồn vào khoản tích lũy.

Tổng chi: 13 triệu

Tích lũy dự phòng: 5 triệu

Tổng chi phí cho mọi khoản của nhà chị Khánh là 13 triệu, khoản dư còn lại là 5 triệu, chị dành để mua vàng tích lũy. Thời gian trước khi vàng thấp thì 2 tháng chị mua 3 chỉ. Hiện vàng lên cao thì mỗi tháng chị chỉ mua được 1 chỉ. Tính tới thời điểm này chị đã tích lũy được 5 cây vàng.

Chị Khánh tâm sự: "Tuy khoản tích lũy này không phải quá nhiều so với nhiều gia đình khác nhưng cũng là một khoản phòng thân đề phòng lúc ốm đau, vợ chồng mình luôn chủ động được tài chính. Hai vợ chồng mình tính sẽ cố gắng làm ăn tích lũy thêm, khi có đủ tài chính thì về quê mua đất làm nhà chứ không có ý định mua nhà Hà Nội", chị Khánh cho hay.

Ghi theo lời kể của nhân vật.