img

Trong bối cảnh giá bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM tăng chóng mặt, sở hữu một ngôi nhà riêng dường như là mục tiêu xa vời với nhiều gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Thay vì chạy theo áp lực “phải có nhà”, một số người chọn cách sống khác: Ưu tiên chất lượng cuộc sống, tránh nợ nần và giữ sự linh hoạt cho tương lai.

Đó cũng là cuộc sống “Không nhà - Không xe - Không nợ” của cặp vợ chồng Trần Mai Anh (SN 1991, quê ở Vĩnh Phúc, hiện đang sinh sống ở Hà Nội). Cặp đôi có tổng mức thu nhập dao động là 25-28 triệu/tháng, và hiện có 1 con nhỏ ở Hà Nội.

“Cuộc sống của tụi mình xoay quanh “3 không”: không nhà, không xe, không nợ. Nghe có vẻ lạ trong một xã hội mà mua nhà là cột mốc quan trọng, nhưng tụi mình thấy lựa chọn này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại” - Mai Anh cho hay.

Thu nhập 28 triệu/tháng, cặp vợ chồng vẫn mua vàng, sống dư dả ở Hà Nội nhờ nguyên tắc 3 không- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Cuộc sống không nhà - không xe - không nợ

Mai Anh cho biết tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 25-28 triệu/tháng. Mai Anh hiện đang làm công việc freelancer về content, trong khi chồng thì làm nhân viên văn phòng tại một công ty bất động sản.

Cặp đôi đang thuê nhà với mức chi phí 8 triệu đồng/tháng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trong đó, tiền nhà là 6 triệu và tiền điện nước là 2 triệu. Sau khi trừ đi tất cả chi phí sinh hoạt, cặp vợ chồng tiết kiệm được khoảng 5-8 triệu/tháng.

Mai Anh chia sẻ về cách cô nàng đang tiết kiệm: “Gia đình mình đang thuê nhà 8 triệu mà vẫn sống thoải mái và có dư. Nhiều người vẫn hỏi không hiểu sống kiểu gì mà dám chi tận 8 triệu thuê nhà. Nhưng các chi phí này đều đã được vợ chồng mình tính toán hết.

Đầu tháng khi có lương thì mình chia ngay vào các hũ. Bao gồm: Tiền thuê nhà (6 triệu), điện nước (2 triệu), tiền học (5 triệu), bỉm sữa (1 triệu), ăn uống gia đình (4-5 triệu), xăng xe (500k), dự phòng thuốc thang 2 triệu... Tiền hiếu hỷ thì mỗi năm gia đình đi khá ít, khoảng 3-5 lần, và thường lấy được tiền từ các hũ thừa mà mình dồn qua. Thế là mỗi tháng thường còn dư 5-8 triệu.

Mình có nguyên tắc thay vì dồn hết tiền vào 1 tài khoản, mình chia nhỏ thành các hũ ra. Nếu tiêu hết trong các hũ thì mình kiên quyết không tiêu vào số dư, không lạm dụng tiêu các quỹ khác”.

Thu nhập 28 triệu/tháng, cặp vợ chồng vẫn mua vàng, sống dư dả ở Hà Nội nhờ nguyên tắc 3 không- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, gia đình Mai Anh cũng đang cố gắng tiết kiệm từng đồng tiền lẻ để mua vàng làm tài sản cho con.

Cô tâm sự thêm: “Như hôm nay mình quyết định bỏ món nào đó định mua từ trước, dành số tiền đó vào hũ tiết kiệm mua vàng. Ví dụ mình bỏ mua trà sữa và dành tiền dư đấy chuyển sang hũ cho con. Có hôm mình tích được 79k, lấy từ hũ mua sắm thức ăn hàng ngày. Sau 3 ngày, mình có thể tiết kiệm được hơn 200k và bao giờ được 5 triệu thì mình sẽ rút ra, mua nửa chỉ vàng cho con”.

Mua nhà là ước mơ và động lực phấn đấu của biết bao gia đình. Nhưng nhìn con số để mua được căn nhà, dao động khoảng trên 3 tỷ mới mua được thì nhiều cặp vợ chồng đã phải từ bỏ ước mơ này.

Đó cũng là lý do mà Mai Anh chọn cuộc sống “không nhà - không xe - không nợ”. Bởi với mức thu nhập hiện tại, dù cố gắng tiết kiệm cũng rất khó mua được nhà. Chưa kể khi con cái vào tuổi đi học, phải sắm sửa nhiều thứ và có nhiều sự cố thì khoản tiền tiết kiệm hàng háng sẽ khó chi trả đủ.

Thu nhập 28 triệu/tháng, cặp vợ chồng vẫn mua vàng, sống dư dả ở Hà Nội nhờ nguyên tắc 3 không- Ảnh 3.
Thu nhập 28 triệu/tháng, cặp vợ chồng vẫn mua vàng, sống dư dả ở Hà Nội nhờ nguyên tắc 3 không- Ảnh 4.

Sở hữu căn hộ ở thành phố lớn là mong ước của rất nhiều người. Song cũng rất khó để thành hiện thực. (Ảnh minh hoạ)

Mai Anh cho hay: “Với thu nhập hiện tại, nếu vay ngân hàng, tụi mình phải trả góp 15-20 triệu/tháng trong 15-20 năm. Gần như toàn bộ thu nhập sẽ đổ vào khoản vay, chưa kể lãi suất có thể tăng. Tụi mình không muốn sống trong cảnh tháng nào cũng lo trả nợ, không còn tiền để tận hưởng cuộc sống.

Một lý do khác là 2 đứa đều ở Vĩnh Phúc - cách Hà Nội khoảng hơn 1 tiếng đi xe. Tụi mình đã bàn nhau nếu không mua được nhà thì sẽ chuyển về quê chồng sinh sống. Xây nhà ở quê với chi phí thấp sẽ dễ hơn là mua nhà trên thành phố”.

Mặc dù không có mục tiêu lớn mua nhà, song Mai Anh và chồng cũng quyết định cố gắng để tài sản cho con, bằng việc cố gắng mua vàng. Hiện tại, cả hai đã tích luỹ được 4 cây vàng, cũng nhờ từ những nguồn thu nhập khi cả 2 chưa kết hôn và chưa có em bé.

Mai Anh chia sẻ: “Tụi mình chọn vàng vì đây là kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và dễ chuyển đổi. Ngày xưa mình và chồng cũng có bao nhiêu là tiêu sạch, nhưng bây giờ mình học cách đơn giản hoá cuộc sống. Mỗi tháng mua nửa chỉ hay 1 chỉ vàng, sau 3 năm, tụi mình tích lũy được 4 cây vàng”.

Nguyên tắc tiết kiệm của cặp vợ chồng khi sống ở Hà Nội đắt đỏ

Theo Mai Anh, với mức thu nhập 25-27 triệu/tháng, cặp đôi vẫn có thể sống dư dả giữa Hà Nội bằng những thói quen như sau:

1. Áp dụng nguyên tắc tiết kiệm trước, chi tiêu sau

“Nhà mình áp dụng nguyên tắc tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Cứ đầu tháng, khi có lương về là tự động gửi 5 triệu vào tài khoản tiết kiêm ngân hàng với lãi suất 6,05%/năm. Mình chọn ngân hàng có thể tự động gia hạn sổ tiết kiệm. Như thế mỗi năm mình không còn lo việc quên mất về khoản tiền tiết kiệm này” - Mai Anh cho hay.

Điều này đảm bảo giúp gia đình duy trì thói quen tiết kiệm đều đặn, ngay cả khi thu nhập giảm, và tránh được cám dỗ chi tiêu bốc đồng.

2. Đặt hạn mức cho mỗi hũ chi tiêu, không được phép lấn vào các hũ

Sau khi gửi tiền tiết kiệm, Mai Anh sẽ chia thu nhập thành các hũ rõ ràng. Ví dụ: Tiền thuê nhà (6 triệu), điện nước (2 triệu), tiền học (5 triệu), ăn uống gia đình (4-5 triệu)... Mỗi hũ có hạn mức nhất định trong tháng và trong ngày, và nếu hết tiền trong 1 hũ thì họ cũng không được phép lấn sang hũ khác.

“Khác với những gia đình, vợ chồng mình công khai tài chính và sử dụng chung một hũ với nhau. Khi vợ hay chồng sử dụng tiền trong tài khoản thì đối phương đều biết được. Nhờ thế chúng mình cũng kiểm soát được chi tiêu theo đúng định mức của từng hũ luôn” - cô chia sẻ thêm.

Thu nhập 28 triệu/tháng, cặp vợ chồng vẫn mua vàng, sống dư dả ở Hà Nội nhờ nguyên tắc 3 không- Ảnh 5.

Gia đình Mai Anh cố gắng mỗi ngày tiết kiệm một ít để mua vàng cho con. (Ảnh minh hoạ)

3. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể chất theo cách đơn giản và lành mạnh

Cặp đôi tính toán rằng việc chăm sóc sức khoẻ là rất cần thiết, vì nếu gia đình có phát sinh đi bệnh viện thì sẽ rất tốn kém, và lẫn vào các hũ đang tích luỹ. Do đó, cặp đôi cũng cố gắng tiết kiệm bằng cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể chất.

Với Mai Anh, cô thường chọn đi bộ ở công viên gần nhà và tiện đưa đón con đi học. Hai vợ chồng cũng thống nhất cuối tuần sẽ đưa con đi công viên, nếu có thời gian rảnh sẽ dành thời gian chất lượng cho nhau và chơi với con. “Khi có sức khoẻ và tinh thần thì cũng giúp 2 đứa tránh chi tiêu bốc đồng để “bù đắp” căng thẳng hay phải đi chữa lành” - cô cho hay.

4. Tận dụng đồ từ quê và ưu tiên lối sống tối giản

Mai Anh cho biết cứ cách 1 tuần, cô lại nhờ mua đồ ăn giá rẻ từ Vĩnh Phúc gửi lên. Nhờ thế, chi tiêu ăn uống trong nhà cũng được giảm đáng kể, so với việc mua thức ăn ở trung tâm Hà Nội.

Ngoài ra, cặp đôi cũng tận dụng những thứ có sẵn trong nhà, sử dụng đồ gia dụng cũ từ gia đình, sửa chữa thay vì mua mới, và tận dụng các chương trình khuyến mãi. Cách sống này không chỉ giảm chi phí mà còn giúp họ tập trung vào những giá trị thực sự quan trọng như gia đình và tương lai.