Ngân (SN 1988, ở trọ tại Cầu Giấy, Hà Nội) từng  khiến bạn bè ganh tị khi có chàng người yêu "đúng chuẩn" vừa điển trai lại kiếm ra tiền. Hùng (SN 1983), người yêu của Ngân, là trai tỉnh lẻ nhưng đã sở hữu một căn hộ chung cư ở Hà Nội. Anh hiện đang là trưởng phòng tại một công ty với mức lương không dưới 30 triệu/tháng.

Bởi vậy khi Ngân chia sẻ đã chia tay người yêu, bạn bè Ngân đều quá đỗi ngạc nhiên. Ít ai biết rằng nhà có điều kiện, thu nhập khá nhưng Hùng lại khá chi li và tính toán trong mọi chuyện kể cả tình phí.

Ngân kể, trong thời gian hẹn hò, Hùng ít khi mời người yêu đi ăn. Anh thường lấy lý do ăn ở ngoài không đảm bảo vệ sinh rồi cứ cuối giờ chiều lại nhắn tin cho Ngân: "Tối nay em nấu cơm phần anh với nhé".  Hết giờ làm, Ngân lại chợ búa, lao về nhà trọ cơm nước phục vụ Hùng như một đôi vợ chồng thực thụ. Tất nhiên, tiền chợ búa, hoa quả cho bữa cơm chiều "mười bữa như một" đều do Ngân lo.

Có hôm Ngân đi làm về đến phòng trọ lại nhận được tin nhắn có bạn đến chơi đột xuất, cô liền nhắn tin nhờ Hùng trên đường sang ăn cơm thì mua thêm nửa con gà ta để về nấu đãi khách. Lúc đến Hùng cũng xách nửa con gà nhưng lại là gà công nghiệp giá rẻ hơn và tất nhiên ăn không thể ngon như gà ta. Lúc Ngân hỏi, Hùng ấm ớ: "Bà bán gà ở đầu ngõ hết gà ta rồi còn mỗi gà công nghiệp".

Thu nhập nghìn đô, chỉ dẫn người yêu đi ăn đồ khuyến mãi 1
Chỉ nghe có thế Hùng đã hậm hực kêu Ngân ra về dù 2 người đã ngồi vào bàn định gọi đồ ăn (Ảnh minh họa).

Hôm sau lúc đi chợ, Ngân ghé hàng gà mua bộ lòng gà về xào mướp, nhân tiện cô hỏi bà bán gà: "Hôm qua bác hết gà ta sớm thế?". Bà bán hàng ngạc nhiên bảo: "Hôm qua cô ế hàng, xách cả con về ấy chứ hết đâu mà hết". Lúc này Ngân mới biết Hùng nói dối để bớt được vài chục nghìn tiền mua gà.

Nhiều lần khác, Ngân cố tình nấu cơm mà thiếu này thiếu kia để nhờ Hùng mua hộ thì Hùng đều đến với vẻ mặt không vui. Anh ta cằn nhằn: “Có đi chợ một buổi mà cũng thiếu trước hụt sau, đàn ông con trai như anh mua đồ ở chợ ngại chết”. Ngân biết đấy chỉ là cái cớ, vấn đề chính là Hùng tiếc tiền.

Ngân kể thêm, có lần kỉ niệm nửa năm ngày yêu nhau, Hùng đề xuất đi ăn pizza. Khỏi phải nói Ngân thấy vui thế nào vì đi làm về không phải tất bật lo cơm nước. Vừa đi trên đường Hùng vừa khoe: “Chỗ này anh xem nó quảng cáo trên mạng rồi. Thứ 3, thứ 5 hàng tuần mua 1 tặng một. 2 pizza cỡ vừa chỉ 150.000đ thôi”.

Không chỉ có thế, khi đến nơi Hùng còn cố hỏi lại nhân viên để xác định chắc chắn thông tin thứ 3 và thứ 5 được khuyến mãi mua một tặng một không. Khi nhân viên trả lời: “Chắc anh nhầm lẫn, cửa hàng em có khuyến mãi như vậy nhưng là vào thứ 3 và thứ 6”. Chỉ nghe có thế Hùng đã hậm hực kêu Ngân ra về dù 2 người đã ngồi vào bàn định gọi đồ ăn. Vừa lấy xe Hùng vừa làu bàu: “Rõ ràng mình thấy ghi là thứ 3 và thứ 5 mà nhỉ, bọn này làm ăn đểu quá, may mà hỏi trước không lại đốt tiền cho chúng nó”. Cuối cùng Hùng kéo Ngân vào quán bún chả bên đường ăn tạm với lý do: “Giờ chợ cũng nghỉ bán rồi lấy đâu thức ăn mà nấu cơm tối”. Thất vọng và chán nản, suốt chặng đường về nhà Ngân chỉ im lặng.

Cũng như Ngân chị Hải (Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định dừng chuyện tình cảm dù 2 người đã tính đến việc kết hôn. Chị nói: “Công bằng mà đánh giá thì ex (người yêu cũ) của mình chăm chỉ, chịu khó, có chí tiến thủ, tuy nhiên cái tính ki bo keo kiệt thì mình không thể chấp nhận nổi”.

Theo chị Hải, trong suốt quá trình yêu nhau, những lúc đi ăn uống chị đều thực hiện chính sách “hôm nay anh trả mai tôi trả” để cả hai được thoải mái. Tuy nhiên, những hôm chị chi thì anh thoải mái gọi món, đồ uống nhưng đến lượt anh trả thì anh cứ mân mê mãi cái menu để chọn món “vừa rẻ vừa nhanh no”. “Những hôm phải trả hơi quá tay mặt anh ta bí xị, khó chịu dù không nói nhưng mình cũng thừa hiểu. Buổi đi chơi mất cả vui”, chị Hải bức xúc.

Thu nhập nghìn đô, chỉ dẫn người yêu đi ăn đồ khuyến mãi 2
Cuối cùng chị Hải đã quyết định dừng lại dù gia đình hai bên đã gặp mặt nhau (Ảnh minh họa).

Chị kể thêm: “Anh ta chưa bao giờ tặng quà cho mình. Có đúng 1 lần duy nhất, anh mua 1 bông hoa cho mình vào ngày 20/10. Anh còn kể lại là định mua cả bó hoa nhưng người bán hét 250 nghìn. Anh nói với mình: 'Hoa có dát vàng mới 250 nghìn, anh phóng xe luôn, không thèm trả giá'. Lúc đó, mình thấy tủi thân vô cùng”.

Cũng theo chị Hải, anh này tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất. “Có lần đèo chị đi chợ anh ta nhất quyết không gửi xe vì sợ mất 10 nghìn mà cố len cái xe ga vào chợ giữa lúc đông người. Mấy bà đi chợ chửi ầm ĩ anh vẫn ngoan cố dắt vào…”, chị ngao ngán. “Bạn thân mình biết chuyện, khuyên: 'Mới  yêu nhau mà đã thế, mai mốt cưới xong mỗi buổi sáng anh ta đưa mày 50.000 đi chợ lo cho cả nhà ăn cả ngày. Mua gì về khai rõ, mua quá tiền thì được bữa chửi cho mà xem'".

Nhiều lần chị Hải đã góp ý nhưng anh ta cũng chỉ biện hộ: “Tiết kiệm để lo cho tương lai” nhưng tương lai chị chưa thấy đâu khi anh ta chỉ liên tục gửi tiền về cho bố mẹ đẻ số còn lại chi tiêu sắm sửa cho bản thân. 

Cuối cùng chị Hải đã quyết định dừng lại dù gia đình hai bên đã gặp mặt nhau. “Sau khi chia tay, anh ta níu kéo hứa sẽ 'ghi nhận, sửa chữa' nhưng mình đã quá chán nản rồi…”, chị lắc đầu kiên quyết.