Phụ nữ cam chịu, đàn ông giáo điều
Tại báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em của Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (63%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/ bạn tình gây ra trong đời.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết, qua thực tế cho thấy 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp.
Người bị bạo lực thường không nói ra việc họ bị bạo lực vì họ thấy không an toàn, thực tế có người đã nói ra những không được hỗ trợ kịp thời và đã bị người chồng gây bạo lực thêm, nhiều người bị bạo lực cũng cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng trong gia đình.
“Chúng tôi nhận thấy người bị bạo lực nói chung và tại Yên Bái, Nghệ An - nơi dự án triển khai nói riêng thường không biết tìm đến đâu và gặp ai để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có người đi tìm hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ vì có rào cản ở người xử lý, hoặc không xử lý quyết liệt.
Những điều này dẫn đến nạn nhân không chia sẻ. Thành viên trong nhóm đồng đẳng có người bị bạo lực 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm nên không thể đòi hỏi họ thay đổi trong thời gian ngắn”, ông Xuân Đồng cho hay.
Cam chịu là đặc tính chung của phụ nữ bị bạo hành, trong khi đó, với nam giới, thách thức với nhóm gây bạo lực này là làm sao giúp họ nhận diện niềm tin để thay đổi hành vi bạo lực. Bởi trên thực tế, quan niệm ''trong gia đình đàn ông phải là số 1'' vẫn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ nhiều người.
“Chính vì thế, chỉ nam giới mới là người có thể thay đổi được hành vi đó. Dự án, hay vợ, bố mẹ cũng không thay đổi được. Họ chính là người kiến tạo sự thay đổi. Họ vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp, cho nên sự thay đổi phải bắt nguồn từ họ”, ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.
Kỹ thuật "hết giờ"
Với mong muốn giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ông Lê Xuân Đồng chia sẻ, kỹ thuật “hết giờ” là bài học đầu tiên dành cho những nam giới trong CLB “Nam giới trách nhiệm” được hướng dẫn để thực hành trong gia đình.
Đây là kỹ thuật đơn giản giúp nam giới thoát khỏi tình huống căng thẳng trước khi bạo lực có thể xẩy ra và do vậy, tránh được sử dụng bạo lực.
Việc sử dụng kỹ thuật hết giờ đúng bao gồm 3 điểm:
i) Sử dụng đúng thời điểm, tức là khi cảm thấy nguy cơ bùng nổ (thông qua những dấu hiệu cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ), người chồng sẽ nói với vợ rằng “Hết giờ! Mình dừng tranh luận tại đây”, anh sẽ ra ngoài 1 giờ đồng hồ và em không cần tìm anh. Sau đó lập tức dừng tất cả tranh luận lại dù vợ có tiếp tục nói hay muốn nói.
ii) Đi ra ngoài trong đúng một giờ: Thời gian một giờ là để giúp họ nguôi đi cơn giận và cũng không quá dài để làm tăng thêm mâu thuẫn vợ chồng.
iii) Tìm một nơi yên tĩnh để ngồi trong thời gian một giờ, không uống rượu, chất kích thích hoặc tụ tập bạn bè (tránh việc bị khiêu khích).
Ông Đồng cũng lưu ý, khi quay về nhà, nếu vợ vẫn còn giận giữ thì nam giới cần tiếp tục quản lý bản thân để tiếp tục cuộc tranh luận mà không sử dụng đến bạo lực. Nam giới cũng cần chia sẻ kỹ thuật này với vợ nhằm giúp vợ không ngăn cản họ khi họ muốn ra khỏi nhà.
Thừa nhận việc thay đổi hành vi bạo lực của những người đàn ông không thể “một sớm, một chiều”, tuy nhiên ông Lê Xuân Đồng hy vọng có sự thay đổi khi nhiều chương trình được triển khai tới các địa phương bằng nhiều hình thức tác động đến mỗi cá nhân.
Trường hợp ông Hồ Văn H. (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là ví dụ điển hình. Ông cho biết, trước kia ông sống theo quan điểm của ông cha "Cha mẹ làm đô đốc quận công/Lấy tao làm chồng thì phải theo tao". Vì thế, chồng nói, vợ phải nghe. Bất luận điều gì, vợ cấm cãi. Cứ trái ý ông cho ''ăn bạt tai'' ngay, thậm chí chỉ cần vớ được cái gì là ông ném thẳng về phía vợ.
“Nhưng thú thực sau khi được học, hiểu về bạo lực gia đình, tôi đã “thức tỉnh”. Tôi ngộ ra rằng ''mình thắng vợ suốt bao nhiêu năm nay mà đâu có ai trao giải'', mà mỗi lúc vợ chồng nặng lời thì nhìn mặt các con buồn rầu.
Từ đó vợ muốn thắng thì tôi cho vợ thắng, mình đi chỗ khác uống chè xanh một hồi, nửa buổi cho nguôi tức rồi về, còn hơn ở nhà trong tình trạng bực bội khó chịu. Đã 2 năm tôi thay đổi và cố gắng giữ gìn sự thay đổi đó”, ông Hòa cho hay.
Đối với phụ nữ, khi thấy dấu hiệu căng thẳng cũng nên dừng lại, tránh việc đối đầu với chồng trong những tình huống có nguy cơ bạo lực có thể xảy ra.
“Kỹ năng đầu tiên chúng tôi luôn hướng dẫn chị em là kỹ năng an toàn. Theo đó, trước khi bị bạo lực, thì chị em cần nắm bắt được tình huống nào thì bạo lực dễ xảy ra (Ví dụ: Người gây bạo lực uống rượu, thua cờ bạc…) và suy nghĩ về cách ứng phó (hành vi, thái độ,..) để hạn chế bị tổn thương cơ thể hay tinh thần, cất những vật dụng có thể gây sát thương như gậy, dao, búa,… chuẩn bị sẵn các giấy tờ và vật dụng cần thiết (chứng minh nhân dân, giấy ghi số điện thoại hỗ trợ…) và tư trang cá nhân (tiền, quần áo, băng vệ sinh,…) để ở nơi an toàn.
Giai đoạn đang bị bạo lực, chị em cần tạo khoảng cách an toàn với chồng, tránh những nơi có thể gây sát thương cao (góc tường, nơi có nhiều dao, gậy…,tìm cách thoát ra khỏi nơi bị bạo lực và tìm người giúp đỡ (kêu cứu, bỏ chạy…).
Sau khi bị bạo lực, cần sơ cứu vết thương (nếu có), lưu bằng chứng bạo lực (ảnh chụp/video…) và báo cáo cho cán bộ địa phương (công an, cán bộ Hội Phụ nữ, tổ trưởng,…)'', ông Lê Xuân Đồng hướng dẫn.