Khi Amy Lusher chuyển đến sống cùng bạn trai, một trong những điều đầu tiên cô làm là loại bỏ tất cả đồ dùng nhà bếp bằng nhựa trong nhà và thay thế bằng các đồ dùng làm bằng thủy tinh, gỗ và thép không gỉ. Là một nhà nghiên cứu cấp cao về vi nhựa tại Viện nghiên cứu nước Na Uy, Lusher nhận thức sâu sắc rằng tất cả các hoạt động thái, khuấy, nạo và đun nóng thực phẩm mà chúng ta thực hiện khi chuẩn bị bữa ăn có thể giải phóng các hạt nhựa nhỏ vào thức ăn mà sau đó chúng ta tiêu thụ, tạp chí Mỹ Scientific American đưa tin.
Cô nói: "Vi nhựa nhiễm vào thức ăn qua việc nấu nướng của chúng ta. Nó đến từ bao bì. Nó có trong hầu hết các chai lọ của chúng ta".
Thứ thải ra hàng nghìn hạt vi nhựa vào thực phẩm mỗi năm
Đến nay, các nhà khoa học như Lusher đã phát hiện ra vi nhựa được thải ra từ miếng bọt biển rửa chén, máy xay sinh tố, ấm đun nước… Theo một nghiên cứu năm 2024, đồ nấu ăn bằng nhựa có thể thải ra hàng nghìn hạt vi nhựa mỗi năm vào thực phẩm. Đồ nấu ăn bằng nhựa cũ là ‘thủ phạm’ tồi tệ nhất và các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng việc thải vi nhựa có thể trầm trọng hơn khi đun nóng đồ dùng hoặc sử dụng các dụng cụ cứng hoặc sắc nhọn trên đó.
Đồ làm bếp bằng nhựa là những dụng cụ vô cùng phổ biến trong các căn bếp Việt. Một số dụng cụ quen mặt là thớt nhựa, cốc nhựa, bát nhựa, thìa dĩa nhựa, chai nhựa, miếng bọt biển rửa bát...

Theo một nghiên cứu năm 2024, đồ nấu ăn bằng nhựa có thể thải ra hàng nghìn hạt vi nhựa mỗi năm vào thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng trong nhiều năm để xác định có bao nhiêu hạt vi nhựa mà con người ăn phải khi tiêu thụ thức ăn. Theo một ước tính, mỗi người Mỹ tiêu thụ từ 39.000 đến 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Vi nhựa rất nhỏ - có kích thước nhỏ hơn năm milimét. Một số hạt được con người trực tiếp sản xuất, chẳng hạn như hạt trong chất tẩy tế bào chết hoặc kim tuyến. Một số khác là kết quả của sự phân hủy các vật thể lớn hơn, chẳng hạn như chai nhựa hoặc đồ chơi. Lei Qin, một nhà khoa học thực phẩm tại Đại học Bách khoa Đại Liên ở Trung Quốc cho biết: "Vi nhựa được thải ra với số lượng vượt xa trí tưởng tượng của con người". Theo một ước tính, 10 đến 40 triệu tấn vi nhựa được thải ra môi trường mỗi năm - gấp khoảng hai đến sáu lần trọng lượng của Kim tự tháp Giza vĩ đại.
Sau đó, chúng tích tụ bên trong cơ thể chúng ta. Các nghiên cứu đã phát hiện ra vi nhựa trong não người (tương đương với lượng trong một thìa cà phê muối ăn đầy), cũng như trong dạ dày, phổi và xương. Các nhà nghiên cứu đã liên kết vi nhựa với gia tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh viêm ruột và chứng mất trí.
"Chúng ta đang ở giai đoạn đầu, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với vi nhựa có liên quan đến tình trạng viêm, bệnh động mạch vành và suy thoái thần kinh", John Boland, một nhà hóa học tại Đại học Trinity College Dublin, Đức, cho biết.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với vi nhựa có liên quan đến tình trạng viêm, bệnh động mạch vành và suy thoái thần kinh.
Mặc dù các nhà khoa học đã tìm hiểu trong một thời gian về lượng vi nhựa mà chúng ta có thể ăn phải khi ăn hải sản hoặc uống nước máy, "chỉ trong vài năm trở lại đây, chúng ta mới bắt đầu tìm hiểu về việc tiếp xúc thông qua những thứ mà chúng ta chạm vào, những thứ mà chúng ta xử lý, đặc biệt là trong bếp", Lusher cho biết.
Để khám phá chính xác điều gì xảy ra với đồ dùng nhựa trong bếp, Lusher và các đồng nghiệp của cô từ Vương quốc Anh và Na Uy đã chế biến thạch. Họ sử dụng dụng cụ nấu ăn bằng nhựa cũ hoặc mới để đun nước, khuấy hỗn hợp thạch, bảo quản, làm lạnh và cắt thành từng miếng. Kết quả: thạch được chế biến bằng dụng cụ nhựa mới có trung bình khoảng chín hạt vi nhựa trên mỗi mẫu, và thạch được chế biến bằng dụng cụ nhựa cũ có 16 hạt. Nói cách khác, khi thạch được chế biến bằng nhựa cũ, nó có nhiều hơn 78% vi nhựa so với khi được chế biến bằng đồ mới. Lusher cho biết: "[Dụng cụ nấu ăn bằng nhựa cũ] có xu hướng giải phóng nhiều nhựa hơn, có lẽ vì chúng đã trở nên giòn".
Các hành động trong bếp làm tăng giải phóng vi nhựa
Các nghiên cứu khác cũng đưa ra bằng chứng cho thấy quá trình ma sát và sử dụng kéo dài tạo ra mức độ cao hạt vi nhựa. Hãy lấy thớt làm ví dụ: trong một nghiên cứu, khi thớt nhựa được sử dụng để thái thịt, có tới 196 hạt vi nhựa được đưa vào mỗi 28 gram thịt, trong khi không tìm thấy hạt nào trong thịt được chế biến trên thớt tre. Một nghiên cứu khác cho thấy việc thái nhỏ nguyên liệu và đẩy dao dọc theo thớt nhựa có thể tệ hơn so với việc chỉ ấn dao xuống. Lusher cho biết: "Đó là ma sát, kim loại tiếp xúc với nhựa".

Việc đẩy dao dọc theo thớt nhựa có thể tạo ra nhiều vi nhựa hơn so với việc chỉ ấn dao xuống.
Ma sát cũng là cơ chế mà máy xay sinh tố có cối xay bằng nhựa có thể giải phóng một lượng lớn vi nhựa. Khi các nhà khoa học ở Úc sử dụng máy xay sinh tố để nghiền nát các khối đá, họ phát hiện ra rằng hàng tỷ hạt nhựa được giải phóng chỉ sau 30 giây xay nhuyễn. "Nếu khối đá có cạnh sắc, giống như một số loại thực phẩm cứng, nó có thể bóc ra rất nhiều nhựa", Cheng Fang, một nhà hóa học tại Đại học Newcastle, Úc và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Chà rửa bát đĩa bằng miếng bọt biển cũng có thể giải phóng hàng trăm hạt nhựa nhỏ chỉ trong 30 giây. Tin tốt là rửa sạch bát đĩa sau đó sẽ loại bỏ hầu hết vi nhựa. Tin xấu: các hạt vi nhựa trong miếng bọt biển sẽ trôi xuống cống và tích tụ trong môi trường, vì vậy chúng có thể vẫn sẽ có trong thực phẩm của chúng ta.
Việc mở và đóng chai nhựa - cũng tạo ra ma sát - cũng có thể tạo ra cặn nhựa. Boland cho biết: "Bạn đang phân cắt các mảnh nhựa mọi lúc". Trên thực tế, theo một nghiên cứu, nhiều vi nhựa trong nước đóng chai có nguồn gốc từ việc vặn nắp. Nghiên cứu phát hiện ra rằng mỗi lần bạn mở và đóng chai nhựa, bạn sẽ tạo ra khoảng 500 hạt vi nhựa.

Việc mở và đóng chai nhựa cũng có thể tạo ra cặn nhựa.
Việc đun nóng đồ dùng nhà bếp bằng nhựa cũng là một nguồn tạo ra các hạt vi nhựa. Boland cho biết việc làm nóng đồ dùng, giống như bạn có thể làm trong lò vi sóng, "làm tăng đáng kể quá trình giải phóng vi nhựa". Trong một nghiên cứu năm 2025, cốc nhựa dùng một lần chứa đầy nước nóng 95 độ C giải phóng nhiều vi nhựa hơn 50% so với cốc chứa đầy nước mát hơn (50 độ C). Ấm đun nước bằng nhựa cũng có thể là một vấn đề. Boland và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng hành động đơn giản là đun sôi nước trong ấm đun nước nhựa mới sẽ khiến bạn có từ sáu triệu đến tám triệu hạt vi nhựa trên mỗi cốc. Tuy nhiên, ngày càng ít hạt được giải phóng sau mỗi lần sử dụng liên tiếp. Trong nghiên cứu của họ, sau 40 lần đun sôi trong ấm đun nước, chỉ có 11% lượng vi nhựa ban đầu ngấm vào nước.
Cách để giảm tiếp xúc với vi nhựa
Lusher cho biết hiện giới khoa học vẫn thiếu các tiêu chuẩn chung về phương pháp nghiên cứu vi nhựa, khiến việc xác định rõ ràng những tác nhân vi nhựa tồi tệ nhất trong nhà bếp trở nên khó khăn. "Cố gắng giảm lượng nhựa mà chúng ta tiếp xúc vẫn có ý nghĩa", đơn giản vì "chúng ta vẫn chưa biết tác động lâu dài của chúng đối với sức khỏe", cô nói.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm một số điều để giảm tải lượng vi nhựa thải ra trong bếp của mình:
- Trước hết, hãy thay thế bất kỳ thớt nhựa nào bằng thớt gỗ nếu có thể.
- Nếu bạn có ấm đun nước bằng nhựa, hãy cân nhắc đổi sang sản phẩm bằng thép không gỉ.
- Thay thế hộp đựng nhựa bằng hộp thủy tinh.
- Nếu bạn mua ấm đun nước bằng nhựa mới, hãy đun sôi và đổ nước trong ấm ra vài lần trước khi pha đồ uống nóng đầu tiên.
- Nếu bạn sử dụng thớt nhựa, hãy cố gắng đảm bảo rằng chúng tương đối mới.
Theo tạp chí khoa học Mỹ Scientific American