Tiêm filler là thủ thuật không hề xa lạ với những chị em mong muốn cải thiện khuyết điểm trên khuôn mặt hoặc trẻ hóa làn da. Tuy nhiên, nếu bạn thích các phương pháp thẩm mỹ nhẹ nhàng hơn và đang tìm cách để có được một nụ cười đầy quyến rũ, nâng môi có thể là lựa chọn đáng cân nhắc. Không chỉ giúp môi trở nên căng mọng, thủ thuật này cũng không mất nhiều thời gian và mang lại kết quả gần như ngay lập tức.
Nâng môi đang trở nên ngày càng phổ biến do nhiều người lựa chọn thay thế những thủ thuật truyền thống như tiêm filler vào cơ thể bằng phương pháp thẩm mỹ đơn giản hơn.
Dù vậy, bạn vẫn phải nói chuyện với bác sĩ trước khi tiến hành bất cứ quá trình chỉnh sửa sắc đẹp nào. Nếu còn đang băn khoăn về thủ thuật nâng môi, mọi người hãy tham khảo những thông tin dưới đây:
Nâng môi là gì?
Khiến môi trở nên đầy đặn, quyến rũ hơn và sở hữu đường cong đẹp là lý do khiến nhiều người tìm tới nâng môi. Phương pháp này cũng đem lại hiệu quả nếu bạn bị hở lợi khi cười.
Steven Pearlman, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại New York kiêm chủ sở hữu Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Pearlman giải thích, nâng môi là thủ thuật có thể làm cho đôi môi trông căng mọng hơn. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ neurotoxin lên môi trên để khiến cơ vòng môi dãn ra.
Sau đó, môi trên sẽ hơi cong và trông có vẻ đầy đặn hơn. Theo bác sĩ Steven, việc tiêm cũng tạm thời làm giảm các nếp nhăn xung quanh miệng.
Một điều đáng chú ý của phương pháp thẩm mỹ này là vừa làm cho đôi môi trông đầy đặn vừa tạo cảm giác thật hơn vì không tiêm vào cơ thể các chất giúp căng da. Trên thực tế, không ít người đã kết hợp nâng môi với tiêm filler để đem lại kết quả tối ưu. Bác sĩ Steven cho biết, hai thủ thuật này còn có thể được thực hiện cùng một lúc nên sẽ không tốn nhiều thời gian.
Quá trình nâng môi diễn ra thế nào?
Nâng môi thường được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên gia thẩm mỹ được cấp phép. Những người đã từng tiêm Botox có thể cảm thấy quen thuộc với thủ thuật này. Theo bác sĩ Steven, bạn cần tiêm 2-4 mũi dọc theo viền trên của môi, mất từ 5-10 phút. Các vết tiêm có thể hơi nhói nhưng sau đó sẽ giảm bớt sau vài giây.
Trước khi thực hiện, mọi người nên nói chuyện với bác sĩ về loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung đang dùng để không gây ảnh hưởng tới quá trình nâng môi. Đồng thời, tránh uống rượu, aspirin và hút thuốc trong 48 giờ nhằm hạn chế bầm tím.
Nếu cơn đau quá khó chịu, bác sĩ có thể chườm đá hoặc bôi kem làm tê lên vết tiêm. Đồng thời, bạn không nên chạm, ấn hoặc làm bất cứ điều gì gây kích ứng vùng da này trong ít nhất vài giờ.
Do tiêm một lượng nhỏ neurotoxin, hiệu quả của thủ thuật này thường chỉ kéo dài từ 3-4 tháng. Ngoài ra, theo bác sĩ Steven, giá nâng môi có thể dao động phụ thuộc vào vị trí tiêm và lượng neurotoxin cần được sử dụng.
Nâng môi có gây tác dụng phụ?
Sau khi tiêm, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Bác sĩ Steven cho biết, những triệu chứng thường gặp nhất là mẩn đỏ nhẹ, sưng tấy và xuất hiện vết bầm tím nhỏ tại chỗ tiêm. Không những vậy, do neurotoxin làm cản trở hoạt động bình thường của cơ, một số người có thể gặp khó khăn khi ăn bằng thìa, uống bằng ống hút, huýt sáo, cọ xát môi và phát âm một số từ nhất định. Tất cả các tác dụng phụ này sẽ tự biến mất và bạn có thể đạt được một đôi môi quyến rũ như ý muốn sau 14 ngày.
Bác sĩ Steven chia sẻ, lựa chọn chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về nâng môi cũng là việc làm rất quan trọng. Tiêm quá nhiều mũi không cần thiết hoặc đặt mũi tiêm vào khu vực không chính xác của cơ vòng môi có thể ảnh hưởng đến nụ cười và khả năng cử động môi bình thường.
(Nguồn: Women'shealth)