Chiều 16/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Bộ Y tế tại TP.HCM đã có buổi thông tin về diễn biến dịch tại địa phương, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 của TP đã trên 1.000 trường hợp.
Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM
Trả lời câu hỏi về phương án cách ly F1 tại nhà trong bối cảnh TP.HCM đang có dấu hiệu quá tải khu cách ly tập trung, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, đứng trước tình hình dịch bệnh lan rộng, đặc biệt tại các địa phương như là Bắc Giang, Bắc Ninh hay TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cũng đã tính đến vấn đề trên.
Trước đây chúng ta cố gắng xây dựng các khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn với cộng đồng và người được đưa vào.
Nhưng khi dịch lan rộng, số lượng địa điểm cách ly tập trung hạn chế và nếu tổ chức không đảm bảo sẽ xảy ra lây nhiễm chéo, giữa các phòng và giữa các tầng trong khu cách ly.
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia nhận định phải xây dựng phương án cách ly tại nhà khi khu cách ly không còn đủ khả năng đáp ứng.
Dù vậy, điều kiện về y tế với việc cách ly tại nhà hay cơ sở sản xuất phải đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chí.
Nếu cách ly tại nhà trọ không được vì công nhân ở chung với nhau. Hay tại các nhà ống những gia đình đi ra đi vô thường xuyên cũng không được.
Những tiêu chí cách ly tại nhà đã được Bộ Y tế giao Cục Quản lý y tế môi trường y tế xây dựng và hiện giờ đã có dự thảo.
Trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư này, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tổ chức cách ly tại nhà với đối tượng thiếu nhi 15 tuổi (đặc biệt là các cháu dưới 5 tuổi).
Thứ trưởng cho biết, dự kiến việc cách ly tại nhà sẽ được thí điểm ở TP.HCM trong thời gian sắp tới.
Điều chỉnh cách xét nghiệm để truy vết nhanh nhất
Về cách phòng chống dịch ở TP.HCM, Bộ Y tế cho biết qua phân tích và đánh giá các hoạt động xét nghiệm thì cơ bản TP làm rất tốt. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP cũng chỉ đạo tổ chức khoanh vùng, xét nghiệm ở cả vùng rốn dịch lẫn xét nghiệm mở rộng.
Bộ Y tế chỉ có một đề xuất nhỏ là tất cả mọi năng lực xét nghiệm, kể cả test nhanh kháng nguyên, mẫu đơn lẫn mẫu gộp cần đảm bảo thời gian để phát hiện ca dương tính nhanh nhất.
"Các bạn cũng biết chu kỳ lây nhiễm của biến thể delta virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ là rất nhanh so với các biến chủng trước đây. Chúng tôi để xuất sẽ sử dụng test nhanh để quét ngay khu vực có ổ dịch và những đối tượng tiếp xúc gần, chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ.
Sau đó tách các đối tượng dương tính ra để sử dụng mẫu đơn, đối tượng âm tính dùng mẫu gộp để quét thêm một lần nữa. Như vậy việc truy vết ca nhiễm sẽ nhanh hơn so với trước đây" – Thứ trưởng phân tích.
Cũng theo Thứ trưởng, dù có số ca lớn như nhau nhưng đặc điểm dịch ở TP.HCM và Bắc Giang khác nhau.
Với Bắc Giang là bắt nguồn từ một khu công nghiệp, còn tại TP.HCM phát hiện từ cộng đồng và những trường hợp xâm nhập vào các cơ sở y tế.
Việc truy vết các ổ dịch ở TP.HCM là khá tốt và phát hiện nhanh các ca liên quan.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tổ chức sàng lọc các khu vực xung quanh các chuỗi dịch, nhưng theo Thứ trưởng cần nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn nữa.
TP.HCM được phân bổ hơn 800.000 liều vắc xin
Với bệnh nhân tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó nhiều trường hợp có bệnh nền nặng, cao tuổi.
Do vậy, Thứ trưởng hi vọng việc kiểm soát dịch tốt trong cộng đồng, tránh lây nhiễm vào các đối tượng trên sẽ hạn chế các ca tử vong không mong muốn.
Về vấn đề vắc xin ngừa dịch, Thứ trưởng cho biết TP.HCM hiện là một trong những điểm ưu tiên phân bổ trong đợt này. Đặc biệt là quan tâm đến lực lượng công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…
"TP.HCM được phân bổ hơn 800.000 liều vắc xin, là đơn vị tập trung cao độ nhất trong cả nước trong đợt này" – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 16/6/2021 Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) để thống nhất phân bổ lô vắc xin khoảng 288.000 liều mà đơn vị đã nhận được từ AstraZeneca.
Sau đó, lô vắc xin này sẽ ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch COVID-19.
VNVC cũng vừa đưa vào hoạt động Hệ thống tiêm chủng vắc xin cho trẻ em và người lớn tại Bình Phước.
Đây là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hơn 260km, đối diện với thực trạng nhập cảnh trái phép và nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.