Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ đã kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hôm qua (12/7).

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Chênh 1 điểm phải đối chất giám khảo - Ảnh 1.

Xe cứu hoả được TP Đà Nẵng điều động đến điểm chấm thi để phòng cháy chữa cháy kịp thời, đảm bảo an toàn bài thi.

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng báo cáo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 12.686 thí sinh đăng ký dự thi. Hôm qua là ngày đầu tiên, cán bộ chấm thi bắt đầu chấm bài. Khu vực làm phách được bố trí ở địa điểm biệt lập, đảm bảo 2 vòng cách biệt, bảo mật. TP điều động các lực lượng đảm bảo điện, nước, an ninh… đảm bảo an toàn trong suốt quá trình chấm thi. Tổ chấm trắc nghiệm gồm 26 thành viên chia làm 3 tổ: tổ kỹ thuật viên xử lý bài thi, tổ giám sát và tổ thư ký.

Ban chấm thi tự luận có tổng 149 người gồm: lãnh đạo ban chấm thi 4 người, cán bộ chấm thi 114 người, cán bộ chấm kiểm tra 7 người. Các khâu lưu trữ, giao nhận bài thi đảm bảo quy trình, có camera giám sát 24/24 và lực lượng an ninh bảo vệ vòng trong, vòng ngoài.

Đà Nẵng cũng bố trí 7 cán bộ chấm kiểm tra bài thi theo quy định ít nhất là 5% nhằm phát hiện yếu tố bất thường. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, địa phương thường chấm kiểm tra hơn 10% số lượng bài thi.

Chênh 1 điểm phải đối chất giám khảo

Sau khi kiểm tra các khâu từ giao bài, quét ảnh bài thi trắc nghiệm, các phòng chấm thi tự luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, địa phương chuẩn bị kỹ càng. Có xe cứu hoả được điều động đến điểm chấm để phòng cháy chữa cháy kịp thời.

Ông yêu cầu, địa phương đặc biệt lưu ý các hội đồng ban làm phách, ban chấm thi, quy trình chấm tự luận, chấm trắc nghiệm phải đảm bảo “rõ vai, rõ người, rõ việc” vì chỉ cần một bài thi có vấn đề cũng sẽ ảnh hưởng tới cả Hội đồng. Bởi tính chất kỳ thi rất quan trọng, có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thí sinh để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH.

Thầy cô chấm thi phải thuộc hướng dẫn chấm và “nằm lòng” nguyên tắc: chấm đúng, chấm chính xác, công bằng, nghiêm túc, trung thực.

Những giáo viên được cử đi chấm thi cũng rất áp lực vì sẽ có những người thân quen nhờ vả cũng như làm sao đảm bảo chấm công bằng, khách quan, không bị chênh lệch điểm hay phúc khảo bài thi. Khi đi chấm về, giáo viên không thông báo tình hình chấm thi, điểm số tránh thông tin không chính xác, gây hoang mang cho thí sinh.

Ông cũng lưu ý, chất lượng chấm thi của các Hội đồng thể hiện ở chỗ không có hoặc có không đáng kể sự chênh lệch giữa 2 giám khảo ở 2 vòng chấm. Giám khảo phải chấm đều tay, không có hoặc ít có sự chênh lệch điểm mới đảm bảo. Nếu sau chấm phúc khảo phải điều chỉnh trên 1 điểm là phải mời thầy cô chấm thi lên đối chất. Trong quá trình chấm thi phải đặc biệt lưu ý tới các khâu giám sát, nếu thấy chênh điểm giữa 2 tay chấm phải thống nhất, trả điểm cho thí sinh. “Hội đồng chấm thi rất quan trọng, làm sao sau khi công bố điểm, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi”, Thứ trưởng nói.

Để tránh hiện tượng đó, ngay trong quá trình chấm, ông lưu ý các địa phương phải tăng cường chấm kiểm tra, ít nhất 5% số lượng bài thi. Riêng năm nay, việc chấm kiểm tra có thể thực hiện ngay sau khi chấm xong vòng 1 chứ không phải chờ chấm xong vòng 2 như trước. Mục đích của chấm kiểm tra nhằm giúp trưởng ban chấm thi điều chỉnh chung cho cả ban chấm và quan trọng hơn nữa là phát hiện các bài thi có điểm chấm chênh lệch quá lớn để yêu cầu giám khảo đối chất.

“Ngoài rút bài bất ngờ thì nên lựa chọn những bài có kết quả điểm cao hoặc quá thấp để chấm kiểm tra để đảm bảo kết quả ấy dù rất cao hay rất thấp cũng đều phản ánh đúng chất lượng bài làm của thí sinh, không có hiện tượng chấm chặt, chấm lỏng”, ông Độ nhắc nhở địa phương.