“Cậu ấm tiệm vàng” là cái tên là Tường Tài (SN 2001, quê ở Long An, hiện đang sinh sống ở TP.HCM) gọi vui về mình. Bởi anh chàng sinh ra trong gia đình kinh doanh vàng, từ bé đến lớn đã được cha mẹ dạy nhiều về cách bán vàng.
Cuối năm 2024, anh chàng có thêm thử thách mới: Về tiếp quản tiệm vàng của gia đình. Một chàng trai 24 tuổi, về tiếp quản công việc kinh doanh của cửa hàng vàng được định giá hơn 100 tỷ đồng, đứng ra để tư vấn và chịu trách nhiệm tài chính.
Trước khi về tiếp quản tiệm vàng, Tài từng có kinh nghiệm khởi nghiệp với sản phẩm mây tre đan, và đạt giải thưởng tại Lễ công bố và trao giải thương hiệu uy tín, chất lượng Quốc gia.
Nhìn công việc của tiệm vàng tưởng rằng chỉ xoay quanh bán và tư vấn khách hàng - những thứ ba mẹ đã làm rồi - song với Tài, anh chàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí… lỗ vốn khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình!
Chàng trai 24 tuổi về thừa kế tiệm vàng của gia đình. (Nguồn: Tường Tài Tenet)
Áp lực đổi mới từ cách bán hàng cũ
Tường Tài chưa từng có kinh nghiệm tham gia kinh doanh lĩnh vực của gia đình khi còn là sinh viên. Trong quãng thời gian đi học, Tường Tài làm saleman (nhân viên kinh doanh) trong lĩnh vực bất động sản và xuất nhập khẩu. Song song với đó, Tường Tài cũng khởi nghiệp với kinh doanh xuất khẩu mây tre đan thủ công và bán trên sàn Amazon.
Nói về quyết định học nghề vàng của gia đình, cậu bạn chia sẻ: “Ba mình cũng khá lớn tuổi. Tiệm vàng cũng là thành quả cả đời ba mình tự hào làm nên. Nhưng lý do này chắc chỉ chiếm khoảng... 10%. Mình quyết định học nghề của gia đình với mong muốn vài năm nữa tự mở tiệm trang sức với phong cách hoàn toàn mới theo kiểu của Gen Z".


Tường Tài, con trai ông chủ tiệm vàng Kim Tài.
Khi bắt đầu tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, Tài đã nghĩ cách làm thế nào để đem lại sự khác biệt so với cách buôn bán trước đây của bố mẹ. Và việc đầu tiên là xây dựng thương hiệu cá nhân, lập các kênh social media.
Tài tâm sự: "Mình nghĩ làm cách nào bán được vàng online để có thêm khách hàng. Trước nay, ba mẹ mình vẫn làm theo kiểu truyền thông là bán hàng cho những khách xung quanh nhà vì khách quen đã ổn định rồi. Mình mở thêm kênh bán hàng, bắt đầu bằng việc lập website, các Fanpage và thiết kế lại logo. Mình cũng làm thêm hộp giấy và hộp đựng vàng chỉn chu, thay vì hộp nhựa màu đỏ giống như ngày xưa".
Tuy nhiên, khó khăn cũng bắt đầu xảy ra khi làm xong hết thì mới phát hiện, page hay website ở giai đoạn đầu thì không có traffic, sẽ không đem lại đơn.
Dù bây giờ có làm đẹp hay trang trí cầu kì thì cũng không có khách hàng để ý tới. Kênh TikTok của Tài cũng chuyên chia sẻ về hành trình về tiếp quản tiệm vàng - khó đem lại việc bán được trên sàn này.
Do đó, anh chàng cũng phải chuyển hướng lập thêm kênh TikTok khác chỉ chuyên đăng mẫu vàng đang hot ở tiệm, cũng như cập nhật thêm về giá vàng hàng ngày để ai có nhu cầu thực sự mua vàng và trang sức sẽ dễ quan sát, đồng thời cũng giúp Tài cũng dễ tư vấn hơn.


Tài gặp không ít khó khăn khi về tiếp quản tiệm vàng của gia đình.
Quản lý tiệm vàng của ba mẹ, liệu có áp lực không?
Câu trả lời lại là... không áp lực lắm.
Tài cho hay: "Mình không áp lực lắm bởi bây giờ mọi thứ đã ổn định rồi. Những điều mới mẻ trong ngành kim hoàn thì mình đều được chỉ dạy chi tiết. Điều khiến mình áp lực ở hiện tại là thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Mình muốn về lâu dài có thể tách biệt tiệm cũ của gia đình và lập ra mô hình kinh doanh mới cũng về trang sức theo 2 phong cách hoàn toàn khác”.
Theo Tài, kinh doanh vàng sẽ khác biệt với nhiều mặt hàng khác. Bởi phải xây dựng được sự uy tín thương hiệu tiệm cũng như thương hiệu cá nhân. Ngoài ra cũng phải đề phòng rủi ro vấn đề lừa đảo và trộm cướp.

Tài nhận giải thưởng tại Lễ công bố và trao giải thương hiệu uy tín, chất lượng Quốc gia.
Tưởng rằng tiếp quản tiệm vàng là chuyện dễ, nhưng Tài đã có rất nhiều bài học và trải nghiệm khó khăn so với những lần kinh doanh trước. Do còn "non trong nghề" nên Tài từng vài lần thu mua vàng kém chất lượng hay bán lỗ với giá trị sản phẩm. Anh chàng cũng bối rối trong việc phân biệt tên gọi các sản phẩm.
Tài chia sẻ: "Khi giá vàng đang tăng lên như hiện nay, lượng khách hàng mua giảm xuống nhưng người lừa đảo thì rất nhiều. Đa phần lừa đảo đến từ các thợ bạc cao tay, nấu vàng “2 da” hay sử dụng những hợp chất kim loại khác để đánh lừa nên mình cũng đôi lúc không thoát khỏi. Song may mắn là mình chưa mất nhiều tiền lắm”.
Bên cạnh đó, Tài cũng đối mặt với áp lực của một bạn trẻ khi bán vàng. Đó là: Sự non kinh nghiệm trong nghề có thể khiến khách hàng không tin tưởng.
"Ngay từ những ngày đầu, thứ Tài sợ là việc chưa đủ kinh nghiệm bán hàng về lĩnh vực trang sức có thể khiến khách nghi ngờ và đánh mất thương hiệu. Mình cũng áp lực về tâm lý và tư vấn khách sử dụng sản phẩm nào cho phù hợp. Bởi khách luôn đòi hỏi sự chuyên sâu từ kinh nghiệm sống, độ am hiểu về sản phẩm cũng như sự hiểu biết về trải nghiệm sản phẩm - những thứ mà tính bằng năm mới có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất" - Tài cho hay.


Tài đối mặt với thử thách non kinh nghiệm và tuổi đời còn trẻ khi đi bán vàng, có thể khiến khách hàng không đặt nhiều sự tin tưởng.
Sự khác biệt trong tư duy dùng TIỀN của Gen Z với thời cha mẹ
Để con cái bắt đầu tiếp quản tiệm vàng, cha mẹ Tài cũng dạy con từng thứ một. Tuy nhiên, những điều cha mẹ dạy Tài nhiều nhất không phải kiến thức hay làm cách nào để bán được lợi nhuận cao. Thay vào đó, ba Tài lại dạy những tư duy bền vững trong kinh doanh.
Tài chia sẻ: "Điều mình nể nhất là ba không quá chú trọng dạy kiến thức chuyên môn và trải nghiệm. Bởi ba coi 2 thứ này chỉ là vấn đề về thời gian sẽ học được. Thứ ba dạy nhiều nhất là đạo đức sống và đạo đức nghề nghiệp, cách tìm kiếm và duy trì những mối quan hệ chất lượng.
Những trải nghiệm sống của mình đôi khi cũng có tính hơn thua của tuổi trẻ. Ba giúp mình kiểm soát và biết nhún nhường hơn. Như trong các cuộc hẹn gặp hay đi chơi, mình luôn chủ động thanh toán hết bill. Từ những chi tiết nhỏ nhặt đó mà khi lớn lên mình cảm thấy xung quanh luôn có những mối quan hệ chất lượng. Dự định mình muốn làm đều có người có chuyên môn kế cạnh và tư vấn ngay.
Mình cũng học được tư duy của ba khi có những góc nhìn thực tế và “đơn giản” hóa mọi vấn đề - miễn đặt đạo đức lên hàng đầu. Chưa bao giờ ba chỉ làm cái này hay cái kia thì lời hơn, mẫu này làm như này thì bán chạy hơn. Điều ba chỉ dạy nhiều nhất lại là cách chăm sóc và nhớ tên khách, luôn phải suy nghĩ về tâm lý, hay những việc xảy ra thì khách sẽ thấy thế nào”.

Ba Tài không dạy cách làm thế nào để lời nhất, mà dạy con tư duy bền vững trong kinh doanh.
Thế hệ Gen Z và cha mẹ có rất nhiều điểm khác nhau, và tất nhiên kinh doanh cũng không ngoại lệ, ví dụ như việc chuyển từ bán hàng truyền thống sang bán online và các sàn thương mại điện tử với mặt hàng vàng.
Nhưng đó là 1 thách thức lớn, chưa thể thành công trong thời gian ngắn vì khách hàng ở tiệm vàng vẫn đa phần là người mua sắm trực tiếp. Bài toán của Tài vẫn còn “bế tắc”.
Ngoài việc chuyển dịch kinh doanh, Tài cũng nhận thấy mình có sự liều lĩnh và dám đánh đổi hơn so với cha mẹ. Tuy nhiên, Tài không quá áp lực vì những thất bại này, mà cho đó là chi phí cơ hội - đem lại những bài học và kinh nghiệm cần có để kinh doanh tốt hơn trong tương lai.
Thay vì lo lắng xem bản thân đã mất bao nhiêu tiền, anh chàng lại quan trọng việc này sẽ tạo đòn bẩy để có thêm nhiều bài học hay kinh nghiệm tốt hơn trong tư duy về tài chính.
Tài tâm sự: "Mình luôn sử dụng tiền bạc như đòn bẩy và lợi thế để phát triển bản thân chứ không sử dụng vào mục đích giải trí hay hưởng thụ cá nhân. Ba mẹ thường sợ việc đánh mất quá nhiều. Còn mình thì dám liều lĩnh hơn. Mình đang chứng minh sau những thất bại, khi bắt đầu lại thì đó sẽ là kinh nghiệm của lần thất bại trước, chứ không phải bắt đầu từ con số 0”.


Tài thấy thế hệ Gen Z và cha mẹ có sự khác biệt trong tư duy kinh doanh.