Sau khi sinh, người mẹ nào cũng cần thời gian để hồi phục sức khoẻ. Đối với những mẹ sinh mổ thì sự phục hồi có thể chậm hơn sinh thường. Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì chế độ ăn uống đủ chất, khoa học là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp mẹ có đủ sữa nuôi con mà còn giúp lấy lại sức khỏe cũng như có được vóc dáng gọn gàng. Chị Nguyễn Thị Bình (sống tại Hà Nội) - người từng là sản phụ trải qua việc sinh mổ đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về thực đơn sau sinh. Sức khỏe của cả mẹ và bé đều tốt lên từng ngày.
"Gửi Cốm cưng của mẹ!
Lúc bác sĩ mổ lấy con xong thì có dặn mẹ cần phải điều chỉnh chế độ ăn 2 tháng sau sinh do mẹ có vấn đề tiểu đường thai kì và mỡ máu cao. Mẹ đã tính toán để làm sao vừa đạt mục tiêu kiểm soát đường máu, vừa đủ sữa cho con, vừa đủ dinh dưỡng cho mẹ hồi phục sau sinh mà lại gọn dáng nữa.
Sinh con xong, mẹ thèm ăn nhiều thứ lắm, càng những món không có lợi cho mẹ sau sinh thì mẹ càng thèm nhưng con biết không, tình yêu của mẹ dành cho con luôn có một sức mạnh tuyệt vời để vượt qua nhiều khó khăn, nhất là vượt qua chính mình con ạ.
Em bé tăng cân và sữa mẹ dồi dào..
Có nhiều thứ không phải khẩu vị của mẹ nhưng cứ nghĩ đến món đó lợi sữa là mẹ lại ăn được, nghĩ đến món đó sẽ làm cho mẹ khỏe là mẹ lại ăn hết. Mẹ đã rút ra được một số kinh nghiệm cho những bữa ăn sau sinh", chị Bình chia sẻ qua dòng thư tâm tình gửi cho con gái bé bỏng.
Những tiêu chí cho thực đơn cơm cữ
- Đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin.
- Các bữa ăn nhẹ chủ yếu là trái cây, các loại hạt, sữa không đường.
- Để lợi sữa thì mẹ dùng rau và trái cây có tác dụng lợi sữa, uống thêm cao lợi sữa, trà lợi sữa chứ mẹ hạn chế ăn móng giò, không ăn chân dê, chân chó.
Thực đơn cơm cữ ngon mắt.
- Không ăn da gà, rau muống, các loại trái cây hại sữa và tiêu hoá của con như các trái cây có vị chua, dưa chuột.
- Ăn nhiều rau củ.
- Đối với đạm động vật thì ăn khoảng 120 - 300gram cho mỗi bữa.
Bữa ăn vừa ngon vừa đầy đủ dinh dưỡng.
- Tinh bột chủ yếu là cơm gạo lứt, khoai lang, hạn chế các món chế biến từ gạo trắng, gạo nếp.
- Uống nhiều nước (khoảng trên 3 lít mỗi ngày).
- Luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, tích cực.
Cơm cữ có màu sắc bắt mắt, đủ dinh dưỡng.
"Mẹ đã dành 1 tháng trước khi sinh để hướng dẫn bác giúp việc nấu cho mẹ con mình, hàng ngày mẹ lên thực đơn, bác ấy chỉ việc nấu thôi. Nhưng nhiều hôm tranh thủ lúc con ngủ, bố đi làm, bác giúp việc đi chợ, mẹ vẫn "lẻn" xuống bếp tự nấu vì bao lâu nay nấu nướng vẫn là việc yêu thích nhất của mẹ. (Cả nhà đều lo cho sức khỏe của mẹ con mình nên không cho mẹ làm gì sớm).
Và kết quả là: Cho đến hiện tại, khi con gần 3 tháng, đều đặn mỗi ngày mẹ có khoảng 1,5 lít đến 1,8 lít sữa cho con và anh trai sinh năm trước, có lúc cao điểm là 2 lít. Con ăn còn dư thì mẹ trữ đông để dành cho những tháng tiếp theo.
Mẹ tăng 9 cân trong thai kì, sau sinh 1 tuần mẹ trở về cân nặng ban đầu và sau gần 3 tháng mẹ giảm 5 cân so với lúc bắt đầu mang thai. Mẹ đã hết bị tiểu đường thai kì, hết mỡ máu, sức khỏe ổn định. Con tăng cân tháng đầu là 1,3 cân, tháng thứ 2 là 1,5 cân, tháng thứ 3 là 1,2 cân.
Có thêm con, gia đình mình trở nên hạnh phúc hơn, gắn kết hơn, mỗi người đều thấy có trách nhiệm vun đắp hạnh phúc gia đình hơn. Đặc biệt mỗi người đều quan tâm, lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của mẹ con mình.
Bố thì tìm mua cho bằng được những thực phẩm sạch, những loại trái cây lợi sữa, anh Mốc thì bưng mâm từng bữa lên phòng cho mẹ. Mỗi bữa cơm chứa đựng bao nhiêu sự chăm chút và tình cảm của những người thương yêu. Điều không nhỏ tạo nên hạnh phúc, duy trì sức khỏe cho mẹ và gia đình mình chính là ở những bữa ăn đó con à", chị Bình nhắn nhủ thêm.
Bằng hình thức một bức thư gửi cho bé Cốm, người mẹ đã khéo léo chia sẻ kinh nghiệm đến nhiều bà mẹ và nhận được hàng nghìn phản hồi tích cực tại một group trên mạng xã hội.