Người hiến thận là chị P.T.N (47 tuổi) người nhận thận là con trai L.Đ.T (26 tuổi) cư trú tại xã Thăng Bình huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa.

Người ghép thận có tiền sử viêm cầu thận mạn từ năm 2005, sau khi phát hiện bệnh, bệnh nhân đã điều trị 1 năm sau đó không theo dõi diễn biến bệnh, đến tháng 3/2021 đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kì 3 lần/ tuần.

Thực hiện thành công ca ghép thận cùng huyết thống ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Các bác sỹ thăm khám và kiểm tra lại vết mổ cho bệnh nhân trước khi ra viện

Đến tháng 6/2021, sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của người cho, người nhận thận và hoàn tất các thủ tục pháp lý, hồ sơ bệnh án, ngày 24/6 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội chẩn chuyên môn trực tuyến với các chuyên gia Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

Sáng 01/7 ca ghép được thực hiện thành công. Sau 13 ngày điều trị và chăm sóc tích cực sau ghép thận, cả người cho thận và người nhận thận có sức khỏe ổn định, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép và cận lâm sàng khác trong giới hạn bình thường và được ra viện.

Thực hiện thành công ca ghép thận cùng huyết thống ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Lãnh đạo bệnh viện trao giấy ra viện cho bệnh nhân

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau hơn 2 năm vượt khó, làm chủ kỹ thuật cao, tập thể ê-kip ghép thận của bệnh viện đã thực hiện thành công 13 ca ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao và đã áp dụng ngay kỹ thuật lấy thận người cho bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ngay từ ca ghép thứ 2. 

Thành công trên là cả một quá trình chuẩn bị, nỗ lực cố gắng của tập thể y, bác sĩ bệnh viện, trong đó có ê-kíp ghép thận được đào tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn bám sát chuyên môn, chủ động học hỏi, làm chủ kỹ thuật".