Ca phẫu thuật do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc BV Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, trực tiếp thực hiện.

Bệnh nhân đầu tiên được tiến hành phương pháp này là chị Dương Thị Miến, 52 tuổi, ở xóm Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Được biết, bệnh nhân Miến bị đau, tê mỏi cổ vai gáy và tay phải từ nhiều năm nay. Gần một năm nay, bệnh nhân bị đau liên tục và phải điều trị hơn 6 tháng tại bệnh viện tỉnh nhưng bệnh vẫn không đỡ, đau ngày càng tăng, đau nhức tay phải và vùng vai gáy, khó cử động và không làm việc được.

Tại Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5-C6 và có chỉ định phẫu thuật lấy khối thoát vị ra bằng phương pháp nội soi. Đây là một kỹ thuật vô cùng khó lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 45 phút thành công, bệnh nhân giảm đau vai gáy rất nhiều và có thể xuất viện sau mổ 1 ngày.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cùng kíp phẫu thuật Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức đang tiến hành nội soi lấy khối thoát vị cột sống cổ cho bệnh nhân Miến.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Miến cho biết, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một kỹ thuật vô cùng khó. Bởi cổ là một tổ chức lỏng lẻo bao gồm nhiều mạch máu lớn, các dây thần kinh, khí quản, thực quản… Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật nội soi qua đường sau bởi nếu phẫu thuật nội soi qua đường trước rất nguy hiểm, dễ chảy máu khó cầm, máu tụ chèn ép khí quản gây suy hô hấp và tử vong, do đó trên thế giới cũng chưa triển khai rộng rãi. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi cột sống cổ qua đường sau tại Đức có tỉ lệ thành công trên 90%.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chỉ được tiến hành sau khi điều trị thuốc và kết hợp với nẹp cổ, giảm đau, hoặc vật lý trị liệu không còn hiệu quả. Những trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mà cột sống cổ còn vững đều có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nội soi.

Trước đây, những trường hợp này thường được tiến hành mổ mở với vết mổ lớn, dễ biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân như: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, rò rỉ dịch não tủy do rách màng cứng, bệnh nhân dễ tái phát… Trong khi phẫu thuật nội soi cột sống cổ đường sau an toàn hơn, cấu trúc cột sống ít thay đổi, thời gian tái phát lâu hơn hoặc khỏi hẳn nếu bệnh nhân giữ gìn tốt. 

Chỉ với đường rạch khoảng 0,5-1cm từ gáy để đưa ống trocar vào, dưới màn hình tăng sáng, các bác sĩ không chỉ dễ dàng đi vào diện khớp của đốt sống cổ để lấy phần thoát vị ở đĩa đệm mà không làm ảnh hưởng tới cơ, mạch máu, các dây thần kinh ở phía trước và đặc biệt không phá hủy xương nên người bệnh tránh được các biến chứng của ghép xương và các tác dụng không mong muốn. Bệnh nhân không có nguy cơ để lại sẹo sau mổ, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày phẫu thuật.

Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, phẫu thuật nội soi cột sống cổ đòi hỏi kỹ thuật khó hơn nên mới được thực hiện ở rất ít các nước tiên tiến, trong khi phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã được triển khai thường quy nhiều năm, riêng tại Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành thành công trên hàng nghìn bệnh nhân với kết quả tốt.