Thực hư chuyện Ngộ Không bắt mạch qua sợi tơ - tuyệt kỹ hay chỉ là hư cấu?
Nếu là một fan hâm mộ của bộ phim Tây Du Ký thì ắt hẳn bạn vẫn chưa quên cảnh Tôn Ngộ Không bắt mạch cho vua Chu Tử chỉ bằng 3 sợi kim tuyến, vậy thực hư chuyện này ra sao?
Tương truyền trong y học cổ đại có một thuật bắt mạch mà không cần phải đụng trực tiếp đến cơ thể người, chỉ bằng sợi chỉ nhỏ là biết hết bệnh tình ra sao. Tuyệt kĩ này được biết đến với tên “huyền ti bắt mạch”.
(Ảnh: Internet)
Theo các nguồn tin truyền miệng từ xa xưa thì phương pháp đoán bệnh kì lạ này xuất phát từ cung đình. Bởi ngày xưa quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, mà trong cung đình thì các quy định về thủ tiết, giữ thân lại càng nghiêm ngặt hơn cả. Chính vì vậy, “huyền ti bắt mạch” ra đời, phương pháp này để chuẩn đoán bệnh cho phi tần, công chúa trong cấm cung, thái y sẽ dùng một sợi chỉ cột vào cổ tay của người bệnh rồi tiến hành đoán bệnh.
Nghiêm ngặt hơn, thái y không được diện kiến trước mắt để chẩn bệnh, mà phải được ngăn cách bởi một tấm màn hoặc ngồi ở căn phòng khác để bắt mạch qua cọng dây. Sau đó, đoán bệnh và kê đơn, đây chính là nguồn gốc của phương pháp “huyền ti bắt mạch”.
Một số danh y nổi tiếng về “huyền ti bắt mạch”
Trong cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân có đoạn nói về “huyền ti bắt mạch” kì diệu như sau: “Tôn Hành Giả cùng vị thái giám, đi vào trong hoàng cung, đến ngoài cửa tẩm cung thì dừng lại, đem 3 sợi kim tuyến cho thái giám cầm vào bên trong, dặn đem vào buộc vào tay trái của vua, một sợi ngay bộ thốn, một sợi ngay bộ quan, một sợi ngay bộ xích, rồi trao 3 mối chỉ ra ngoài.
(Ảnh: Internet)
Tôn Hành Giả để 3 đầu kim tuyến trên 3 ngón tay trái, lấy 3 ngón tay phải đè lên 3 mối kim tuyến mà coi mạch…”.Cuối cùng, Tôn Ngộ Không không hổ danh là Tề Thiên Đại Thánh, dễ dàng chẩn đoán bệnh của quốc vương Chu Tử là chứng “song điểu thất quần”. Mặc dù Tây Du Ký là một thể loại truyện cổ điển với nhiều tình tiết hư cấu cùng thần tiên ma quái, nhưng đoạn mô tả về thủ pháp “huyền ti bắt mạch” khiến người đọc ấn tượng sâu sắc, ghi nhớ không nguôi.
Và không chỉ riêng Tôn Ngộ Không mới biết phương thức “bí hiểm” này đâu, một sự tích khác cũng nổi tiếng không kém về Thần y Tôn Mạc Tư – một danh y lẫy lừng thời Đường của Trung Quốc cũng vô cùng nổi tiếng với thuật “huyền ti bắt mạch” của mình. Câu chuyện được tương truyền như sau:
Hoàng hậu thời đó mang thai đã lâu nhưng chưa hạ sinh được thế là truyền Tôn Mạc Tư vào thăm khám. Vị thái giám lân cận hoàng hậu cố ý muốn thử Mạc Tư bèn cột sợi tơ dùng để bắt mạch huyền ti vào chân con vẹt xem ông có phải thực sự giỏi như lời đồn không hay chỉ thùng rỗng kêu to. Không ngờ rằng, vừa cầm đầu dây tơ còn lại, vị thần y liền chỉ ra đây không phải mạch người.
Viên thái giám bèn hoảng sợ liền lấy sợi tơ cột vào tay hoàng hậu, Tôn Mạc Tư nhanh chóng chẩn đoán ra được bệnh tình bên trong, rồi kê đơn thuốc. Không lâu sau đó, hoàng hậu ngự sinh ra được hoàng tử một cách dễ dàng khiến toàn bộ hoàng cung vô cùng kinh ngạc và nể phục Tôn Mạc Tư. Có người còn đi theo ông hỏi rằng liệu “huyền ti bắt mạch” thật sự thần kì đến thế sao nhưng ông chỉ cười khẩy rồi bỏ đi, không một lời hồi đáp.
Vậy “huyền ti bắt mạch” có thực sự đoán được bệnh hay không?
Trong “Cổ đại y học tuyệt kỹ” có viết: huyền ti bắt mạch thực ra là chướng nhãn pháp, tức là thủ thuật che mắt người khác. Những danh y thời xưa thực chất không hề dựa vào sợi tơ mỏng manh để chẩn đoán bệnh mà thực tế họ dựa vào cảm nhận và phán đoán của chính mình để kê đơn.
(Ảnh: Internet)
Lấy ví dụ thần y Tôn Mạc Tư chẩn đoán đúng bệnh cho hoàng hậu, giúp bà nhanh chóng sinh con rồng, có thể ông dựa vào chính lời mô tả bệnh trạng của hoàng hậu từ các thái giám, thời gian mang thai, thời gian sanh dự kiến và những kinh nghiệm y học từ lâu đời của mình để kê đơn. Và truyện truyền miệng thành thử tam sao thất bản, ngày càng huyền bí, cuốn hút hơn với những chi tiết được thêm thắt, chứ không hẳn do một lần “huyền ti bắt mạch” mà ra được bách bệnh đâu.
Còn nếu như “huyền ti bắt mạch” thần kì đến thế thì xem ra y học hiện đại chúng ta đã thua xa y học cổ đại rồi, vì bây giờ biết bao máy móc mới đoán chẩn được bệnh mà ngày xửa ngày xưa đã có thể chữa bách bệnh chỉ đoán qua bằng một sợi tơ?
(Tổng hợp)