Uống nước chanh ấm hay nước chanh pha mật ong vào buổi sáng không còn là phương pháp mới lạ đối với nhiều người, thậm chí có thời gian chị em còn rộ lên trào lưu uống loại nước này để giảm cân. Tuy nhiên, dưới góc nhìn về khoa học, các chuyên gia cho rằng việc uống loại nước này nếu không đúng cách sẽ gây hệ lụy đối với sức khỏe.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc uống nước chanh ấm mật ong thực ra chỉ là cách mà mọi người truyền tai nhau. Hiện chưa được khoa học chứng minh, vì thế không nên sử dụng tùy tiện.

Đứng về mặt dinh dưỡng, việc pha mật ong với chanh uống lúc bụng rỗng, chưa ăn bữa sáng với mục đích giảm cân, thanh lọc cơ thể là không tốt. Bởi khi đó tổng năng lượng nạp vào cơ thể trong ngày không đảm bảo, từ đó sẽ không đủ sức khỏe làm việc, dễ gây hệ lụy với sức khỏe nếu áp dụng trong thời gian dài. Thời điểm uống nước chanh ấm mật ong tốt nhất là sau khi đã ăn sáng 30 phút.

Chưa kể đến nước chanh có vị chua, có tính axít, dịch vị dạ dày cũng có tính axít. Khi thức dậy, dịch axít trong dạ dày sẽ có nhiều hơn bình thường, nhất là khi bụng đang đói thì dịch a xít này càng đậm đặc. Nếu uống nước chanh thời điểm này để dung hòa dịch vị axít trong dạ dày là "ngược đời", không khoa học.

Các chuyên gia khuyến cáo, loại nước tốt nhất nêu uống khi ngủ dậy là nước lọc. Nước lọc sẽ sẽ làm loãng dịch axít trong dạ dày, giúp phòng đau dạ dày. Tuyệt đối không uống nước có tính a xít vào buổi sáng khi dạ dày còn trống rỗng, điều này sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Nếu muốn uống nước chanh mật ong buổi sáng, bạn chỉ nên uống sau khi đã được lót dạ.

3 đối tượng nên dừng uống nước chanh càng sớm càng tốt

 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Người bị đau dạ dày

Mặc dù lợi ích của chanh thường tập trung ở đường ruột, nhưng theo chuyên trang sức khỏe, uống quá nhiều nước chanh sẽ làm các bệnh dạ dày trầm trọng hơn. Ngoài ra, nước chanh cũng là "thủ phạm" gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản với các triệu chứng như cổ họng có cảm giác nóng rát, ợ nóng, nôn và buồn nôn. Khi thấy dấu hiệu này, chị em phải ngưng uống ngay để bệnh khỏi hẳn.

Xuất hiện cơn đau nửa đầu

Theo nhà thần kinh học Rebecca Traub, chanh tuy tốt nhưng cũng là tác nhân gây ra chứng đau đầu và đau nửa đầu nghiêm trọng. Cụ thể, nước cốt chanh có tính axit sẽ gây ra các vấn đề tiêu hóa, dẫn đến những cơn đau đầu thường xuyên. Các nghiên cứu trước đó cũng từng chứng minh điều này là đúng.

Mặt khác, trong chanh cũng chứa axit amin tyramine làm cho máu dồn lên não bất ngờ. Nếu bỗng nhiên bạn bị xuất hiện những cơn đau đầu không rõ lý do hãy nghĩ đến việc nên dừng uống nước chanh.

Đi tiểu nhiều bất thường

Nước chanh có công dụng như một chất lợi tiểu. Vì vậy, loại nước này không chỉ làm tăng tần suất đi tiểu mà còn khiến cơ thể mất nước. Tính axit trong chanh còn gây kích ứng bàng quang, làm bạn cứ buồn tiểu mãi không thôi.

Bên cạnh đó, nước chanh cũng giúp loại bỏ chất điện giải và natri dư thừa thông qua nước tiểu, gây thiếu kali nếu uống quá nhiều. Thiếu kali nặng có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như yếu cơ, giật cơ, chuột rút… thậm chí là gây liệt cơ và dẫn tới tử vong.