Thực hư thông tin bé gái 10 tuổi ở Khánh Hòa tử vong do virus nCoV “Vũ Hán” - Ảnh 1.

Bản trích lục khai tử của bệnh nhi 10 tuổi tại Khánh Hòa lan truyền trên mạng xã hội

Chiều tối 26/1, mạng xã hội lan truyền chóng năm thông tin một bệnh nhi tên L.N.T.T.H, (10 tuổi, SN 2010, trú ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã tử vong do nhiễm cúm do virus Corona. Theo Phiếu trích lục khai tử (bản sao) bệnh nhi tử vong vào ngày 9/1/2020, tại phòng cách ly, khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, nguyên nhân "tử vong do viêm phổi nặng nghi do cúm".

Kèm với đó là ảnh chụp màn hình báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương về trường hợp tử vong của cháu H., trong đó thông tin bệnh nhi dương tính với virus Corona NL63.

Thông tin này khiến nhiều người lo lắng đặt câu hỏi: "Liệu bệnh nhi có tử vong do chính loại virus nCoV gây bệnh viêm phổi lạ đang hoành hành tại Trung Quốc?”.

Tuy nhiên, theo xác nhận của lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà, ca bệnh nhi trên tử vong tại viện không phải do nCoV (gây viêm phổi lạ ở Vũ Hán, Trung Quốc). Trước đó, bệnh nhi được chuyển đến từ BV đa khoa tỉnh trong tình trạng suy hô hấp nặng. Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhi L.N.T.T.H đã tử vong.

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang về mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi L.N.T.T.H dương tính với một chủng virus Corona đã từng phát hiện trước đó là CoV LN 63.

Chia sẻ thông tin về virus Corona, BS. Trần Văn Phúc, BV ĐK SaintPaul Hà Nội cho biết: Có 4 loại vi rút Corona gây bệnh cảm cúm thường gặp, đó là các chủng 229E (alpha coronavirus); NL63 (alpha coronavirus); OC43 (beta coronavirus); HKU1 (beta coronavirus) và có 2 loại vi rút Corona gây ra nỗi sợ hãi là MERS-CoV (beta coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, hay MERS); SARS-CoV (beta coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS).

Đây là 6 loại virus Corona gây bệnh cho người đã từng được phát hiện. Còn mới đây, ngày 9/1/2020, Trung Quốc công bố có thêm 1 loại mới nữa là nCoV gây viêm phổi kì lạ ở Vũ Hán, hiện đang được cộng đồng quốc tế cực kì quan ngại, WHO quan sát chặt chẽ.

Theo ông Phúc, virus CoV-NL63 cháu bé ở Khánh Hoà mắc được tìm thấy ở Hà Lan năm 2004, sau đó được tìm thấy ở nhiều quốc gia. Loại virus này gây viêm phổi chủ yếu ở trẻ em suy giảm miễn dịch và khác hoàn toàn với virus Corona mới (nCoV) đang hoành hoành ở Trung Quốc.

BS. Phúc cũng cho hay, để phòng lây nhiễm virus nói chung mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:

Tránh tiếp xúc gần: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Bản thân người bệnh cũng giữ khoảng cách với người khác để tránh lây cho họ. Khi mắc bệnh, hãy ở nhà thay vì đi làm hay đi học, đó là cách tốt để giảm lây truyền.

Che mũi và miệng: Đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt khi phải tiếp xúc với người bệnh hoặc chính người bệnh thực hiện đeo khẩu trang. Ho và hắt hơi sử dụng khăn giấy dùng 1 lần rồi rửa tay, hoặc ít nhất là dùng mặt trong khủy tay áo che mũi và miệng.

Rửa tay thường xuyên: Hãy thực hiện rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi ho và hắt hơi, rửa tay trước khi ăn. Sử dụng chất sát trùng tay là rất tốt để ngăn ngừa cúm.

Tránh chạm tay vào mắt mũi miệng: Virus cúm thường ở dịch tiết của mắt, mũi, miệng; nếu sờ tay vào sẽ dễ truyền bệnh cho người khác, ví dụ mở nắm đấm cửa.

Thực hành thói quen sống lành mạnh: Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc trường học, lớp học đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Ngủ đủ, tăng cường vận động thể chất, thể dục thể thao, kiểm soát căng thẳng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung đủ vitamin.

Ăn tỏi có mùi khó chịu nhưng rất tốt để phòng ngừa vi rút cúm.

Tiêm vắc xin phòng virus cúm theo mùa là biện pháp rất hiệu quả.