Một văn bản thông báo chính sách trả lương bằng voucher ghi là của Tập đoàn Hưng Thịnh đang lan truyền trên mạng khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi về sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp này.
Theo thông báo, kể từ kỳ lương tháng 01/2023, thu nhập hàng tháng của cán bộ nhân viên được Tập đoàn/công ty thanh toán bằng tiền hoặc bằng voucher.
Trong đó, cán bộ nhân viên nếu muốn lãnh lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, công ty sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền để cân đối và chi theo từng đợt từ 30 – 50% mức tiền lương thực lãnh và có thể trễ hơn quy định từ 2 – 5 tuần làm việc.
Còn cán bộ nhân viên nếu muốn nhận lương đúng ngày ghi trên hợp đồng lao động, đăng ký với Trưởng đơn vị và gửi danh sách về Khối Nguồn nhân lực, về phòng nhân sự công ty thành viên để nhận lương bằng voucher.
Ngoài ra, văn bản này cũng thông tin cụ thể về điều kiện sử dụng voucher, thời hạn sử dụng trong ba năm…
Tuy có nhiều thông tin về hình thức chi trả lương nhưng văn bản này không có số, ngày ban hành cũng như có nhiều lỗi chính tả.
Trả lời báo điện tử VTC News, đại diện truyền thông của Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, doanh nghiệp không phát đi thông báo nào có nội dung như trên. Đến thời điểm này, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,...), lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm,... dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động).
Nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.