Gần đây, thông tin về “Dì Mai” đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Một số cơ quan truyền thông đã tự ý đăng tải các bức ảnh phác họa chân dung của “Dì Mai”, họ gọi đó là hình ảnh mới nhất của bà ta.
Ngoài ra, cộng đồng mạng Việt Nam cũng xôn xao khi có thông tin cho rằng nữ nghi phạm đã lẩn trốn sang nước ta.
Ngày 4/1/2005, một đứa bé 1 tuổi ở phố Sa Trang, thị xã Tăng Thành, tỉnh Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, đã bị 2 người đàn ông lạ mặt bắt đi. Trong hơn 10 năm, cảnh sát đã điều tra từ Quảng Đông, Quý Châu, Tứ Xuyên và nhiều tỉnh thành khác.
Vào tháng 3/2016, họ đã phá án thành công, bắt giữ 5 nghi phạm. Theo các báo cáo trước đây, nghi phạm Trương cho biết nhiều vụ buôn bán trẻ em được thực hiện thông qua một trung gian, với tên thường gọi là “Dì Mai”.
Theo CCTV News, tháng 6/2017, cảnh sát thành phố Quảng Châu đã công bố một bức ảnh chân dung của “Dì Mai” với lý lịch không đầy đủ: Không rõ tên thật, lớn lên tại thị xã Tăng Thành, Quảng Châu, khoảng 65 tuổi, cao 1m5, nói được tiếng Quan Thoại và tiếng Khách Gia. Bà ta hoạt động chủ yếu ở khu vực huyện Tân Phong, thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông; bị tình nghi liên quan đến nhiều vụ án lừa đảo.
Trong những ngày gần đây, một số trang tin đã đăng tải ảnh chân dung trắng đen phiên bản mới của “Dì Mai”, trông bà ta có mập mạp hơn trước. Ngoài ra, còn có một bức ảnh màu khác cũng được lan truyền rộng rãi cùng với thông tin đã tìm được tung tích của bà ta.
Chiều ngày 18/11, cảnh sát tỉnh Quảng Đông phát công văn khẩn thông báo hình ảnh và thông tin liên quan đến “Dì Mai” đang được lan truyền trên internet là không đúng sự thật.
Bức ảnh chân dung của “Dì Mai” được phát tán gần đây bắt nguồn từ đâu?
Năm 2005, con trai của ông Thân Quân Lương bị bắt cóc. Từ đó đến nay, chưa bao giờ gia đình ông từ bỏ việc tìm kiếm con trai. Mặc dù trong thời gian gần đây, cảnh sát Quảng Châu đã tìm thấy 2 đứa trẻ bị bắt, nhưng con trai của ông vẫn bặt vô âm tín. Với hy vọng tìm được “Dì Mai” thì sẽ tìm thấy 7 đứa trẻ bà ta đang giam giữ, trong đó có cả con trai của mình, ông Thân đã tìm đến chuyên gia hình ảnh để phác họa lại hình của “Dì Mai”. Kết quả là 2 bức ảnh mới của “Dì Mai” (1 ảnh trắng đen và 1 ảnh màu) đã được lan truyền trên mạng trong vài ngày gần đây.
Ngoài ra, cảnh sát Quảng Đông cũng đính chính, các thông tin lan truyền như đã tìm được "Dì Mai" và bà ta đến Việt Nam để lẩn trốn là không chính xác, hi vọng người dân không lan truyền thông tin sai lệch.
Nguồn: Tân Hoa Xã