Thực hư thông tin hãng đồng hồ nổi tiếng Omega giảm giá 70%, khách ùn ùn xếp hàng chờ mua
Mạng xã hội xôn xao thông tin hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ giảm giá đến 70%, khách phải xếp hàng mua nhưng nếu đặt qua website thì lúc nào cũng có.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những bài đăng giới thiệu về đồng hồ Omega chính hãng, với hàng loạt tính năng siêu cao cấp nhưng lại đang được giảm giá đến 70%. Đặc biệt, chương trình khuyến mại chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, khách hàng không mua nhanh là hết.
Nguyên văn một trong những bài "văn mẫu" như sau:
"Trải nghiệm kinh hoàng lần đầu tiên xếp hàng 5 tiếng tại Vincom để mua đồng hồ Omega này giá 1.199.000 đồng. Vừa mua xong, hãng đã thông báo mở bán thêm online trên website chính thức, và được SALE 70%: https://www.hnwatchstore.com/*****
Chuyện là, hôm qua hãng Omega nổi tiếng Thụy Sỹ này khai trương chi nhánh đầu tiên tại Vincom và ra mắt dòng Omega mới nhất nên tất cả khách hàng đến mua đều được giảm giá 70%, chỉ bỏ ra 1.199.000 đồng đã tậu được con Omega.
Em cũng phải xếp hàng đợi 5 tiếng đồng hồ mới mua được. Vì là nó cực đỉnh, thiết kế mặt kính Sapphire không xước, không vỡ. Vỏ của nó được làm bằng thép nên rất bền, chống gỉ và bề mặt rất nhẹ. Dây của nó được làm từ da bò, đeo rất mềm và không thấm nước... Khả năng chống nước lên đến 10ATM. Vừa mua xong, hãng lại thông báo mở bán online trên website chính thức này: https://www.hnwatchstore.com/*****
Anh chị nào muốn mua thì đặt hàng tại website để không phải xếp hàng như em nhé. À khuyến mãi này chỉ áp dụng trong 3 ngày khai trương thôi, sau đấy lại về giá gốc 4 triệu đồng đấy".
Đoạn quảng cáo đồng hồ Omega giảm giá và hình ảnh khách xếp hàng chờ mua được đăng trên Facebook (Ảnh chụp màn hình)
Những thông tin này được một người dùng Facebook có nick name Nguyễn T. chia sẻ để cho những người trong danh sách bạn bè của anh không phải vất vả xếp hàng mà vẫn có cơ hội mua được hàng chính hãng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, bài viết này lại dẫn link đến một website sơ sài chỉ có hình ảnh, thông tin của một sản phẩm duy nhất, đồng thời hiển thị thời gian đếm ngược thể hiện sắp hết hạn khuyến mại.
Website giới thiệu chỉ một sản phẩm và không quên hiện thời gian đếm ngược để thôi thúc khách đặt hàng (Ảnh chụp màn hình)
Để làm rõ thực hư, PV VTC News đã liên hệ với đại diện Tic Tac Watch - đơn vị phân phối chính thức thương hiệu Omega tại Việt Nam - và bất ngờ khi được biết, đồng hồ Omega Thụy Sĩ tại Việt Nam không hề có giá 1.199.000 đồng ngay cả khi đã khuyến mại.
''Đồng hồ chính hãng Omega không có giá bán 1.199.000 đồng cho dù đã áp dụng khuyến mại (nếu có). Tất cả những thông tin chính thức từ OMEGA Thụy Sĩ chỉ được cung cấp trên các website omegawatches.com và tictacwatch.com'', đại diện Tic Tac Watch Company cho biết.
Thử gọi lại số điện thoại liên hệ đặt hàng trên website mà Nguyễn T. giới thiệu, 10 phút sau, phóng viên nhận được cuộc gọi đến xưng là "website bán hàng online nơi anh vừa đặt hàng". Phóng viên thắc mắc tại sao tên người đăng bài viết là nam mà bây giờ lại là giọng nữ gọi điện tư vấn? Webite bán hàng nêu trên là website của đơn vị nào, có phải bán hàng chính hãng hay không mà sao sản phẩm không giống với sản phẩm trên website chính thức của Omega?
Nhân viên tư vấn bán hàng ban đầu ấp úng, nhưng sau đó trả lời như đã được học thuộc lòng: "Người đăng bài bán hàng đấy là khách hàng thân thiết của bọn em, mua rồi, ưng ý rồi nên chia sẻ thông tin. Hàng bọn em nhập linh kiện chính hãng về Việt Nam lắp ráp nên giá thành mới được rẻ như vậy. Yên tâm là bọn em có chế độ bảo hành riêng cho anh, trên website bọn em bán giá hơn 1 triệu đồng nhưng ở cửa hàng bọn em đang bán giá 4 triệu đồng cơ. Anh có muốn đặt mua luôn không, nốt hôm nay bọn em hết khuyến mại rồi. Còn anh muốn mua hàng chính hãng hẳn thì bọn em cũng có bán nhưng giá phải 40 - 50 triệu".
Khi được hỏi cửa hàng ở đâu, người mua xếp hàng ở đâu thì người này trả lời: "Cửa hàng khai trương ở Vincom Bà Triệu hai ngày trước anh nhé, anh có thể qua xem luôn nhưng giá là 4 triệu đồng đấy" . Tuy nhiên, trả lời phóng viên về việc này, đại diện truyền thông của Vincom Bà Triệu lại cho biết trong vòng một tuần trở lại đây không có cửa hàng nào được khai trương mới tại trung tâm thương mại này.
Thử "soi" kỹ lại bức ảnh mà vị nick name Nguyễn T. chia sẻ, phóng viên phát hiện bức ảnh này phản ánh việc khách xếp hàng mua trà sữa tại Trung Quốc vào hồi tháng 6/2019.
Bức ảnh trong bài báo "Dân Trung Quốc xếp hàng mua trà sữa 1,7 triệu đồng/cốc để ủng hộ hàng nội địa, phản đối Mỹ" được báo điện tử Dân Trí đăng tải tháng 6/2019
Phân tích rõ hơn về chiêu quảng cáo mập mờ này, anh Phan Thanh Tùng, một chuyên gia về Digital Marketing cho biết, đây thực chất là một trong những ''công thức bán hàng online", thường được các ''bậc thầy" về marketing hướng dẫn cho những người mới vào nghề áp dụng.
''Nội dung đăng trên Facebook chỉ là dạng phễu lọc chứ họ không bán hàng ở đây. Qua phễu lọc này, họ đưa người dùng vào website bán hàng và đây là bước thứ hai. Website này thông thường chỉ chứa thông tin của một sản phẩm, phần quan trọng nhất là thời gian đếm lùi khuyến mại và số lượng sản phẩm còn lại. Hai yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhất để hối thúc người tiêu dùng đặt hàng nhanh chóng.
Thực chất, tài khoản người dùng đăng bài chia sẻ thông tin bán hàng cũng không phải là tài khoản cá nhân mà là dạng Fanpage, bởi chỉ Fanpage, người bán hàng online mới có thể quảng cáo rộng rãi đến nhiều người. Tuy nhiên, khi lập Fanpage, người bán hàng online sẽ làm cho Fanpage đó trông có vẻ giống trang cá nhân của người thật hơn để dễ dẫn dụ người tiêu dùng'', anh Tùng nói.
Cũng theo anh Tùng, những website bán hàng online này được tạo ra rất đơn giản, với công cụ có sẵn, người bán hàng online chỉ việc kéo thả từng thành phần, mất khoảng 15 - 20 phút là đã có một website bán hàng long lanh với đầy đủ các thành phần phục vụ mục đích ''câu khách".
Đặc biệt, anh Tùng khuyến cáo: "Địa chỉ của các website này thường là những ký tự khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng rằng đó là website chính thức của một hãng sản phẩm nào đó, nhưng thực chất đó không phải là website chính thức. Vì thế, sản phẩm được rao bán khuyến mãi cũng không có gì chứng minh là chính hãng cả. Rất nhiều người tiêu dùng đã nhầm lẫn, mua phải hàng không chính hãng dưới danh nghĩa hàng chính hãng giảm giá. Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi mua hàng qua những thông tin quảng cáo ở Facebook như trên''.