Theo lời quảng cáo trên mạng, "phương pháp hỏa trị liệu có thể giúp thải độc, lưu thông khí huyết, làm đẹp da, giảm cân, điều trị ung thư...". Phương pháp này được thực hiện bằng cách phủ một chiếc khăn lên người, đổ cồn lên khăn rồi đốt. Tuy nhiên, việc áp dụng hỏa trị liệu có thực sự hiệu quả như lời quảng cáo, phương pháp này có nguy hại gì với sức khỏe hay không? Dưới đây là tư vấn chuyên môn của bác sĩ.
Phương pháp hỏa trị liệu giúp "diệt sạch" tế bào ung thư?
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho hay, hỏa trị liệu là một trong những phương pháp cứu (dùng nhiệt để tác động vào vị trí huyệt) giúp điều trị một số bệnh của y học cổ truyền. Phương pháp này được thực hiện bằng việc dùng lửa đốt qua vật thể, từ đó tác động lên cơ thể con người, bên trong thấu đến tạng phủ, bên ngoài thông đến các cân cơ bì phu.
Trước câu hỏi "hỏa trị liệu có giúp điều trị ung thư hay không", bác sĩ Vũ cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh phương pháp này có thể điều trị và tiêu diệt hết ung thư trong cơ thể.
"Mọi người cần phân biệt khái niệm ung thư của y học hiện đại (rối loạn phân chia tế bào) và khái niệm "ung thư" của y học cổ truyền (các loại mụn nhọt và bệnh lý da nói chung hoặc để chỉ một số bệnh khác như lao hạch, lao xương khớp, viêm tắc động mạch…).
Hiện nay, rất nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về y học cổ truyền để trục lợi. Y học cổ truyền có thể tham gia hỗ trợ điều trị ung thư nhưng cần phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn", bác sĩ Vũ tư vấn.
Trong y học cổ truyền, phương pháp hỏa trị liệu giúp người bệnh cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết, trục tà chỉ thống…
Hỏa trị liệu kết hợp với xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như: đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm dạ dày đại tràng mạn tính, viêm khớp gối và một số bệnh khác.
Nguy cơ từ việc áp dụng phương pháp hỏa trị liệu sai cách
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, phương pháp hỏa trị liệu nếu không được thực hiện bởi người có chuyên môn về y học cổ truyền sẽ gây ra những tác hại không mong muốn như: bỏng do tiếp xúc với nhiệt, mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu.
Theo bác sĩ Vũ, việc dùng phương pháp hỏa trị liệu cần phải có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh sẽ được khám chẩn đoán và chỉ định thực hiện hỏa trị liệu nếu cần.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số cơ sở tư nhân, vì mục đích lợi nhuận nên các cơ sở này áp dụng phương pháp hỏa trị liệu cho tất cả những người có nhu cầu mà không quan tâm đến tình trạng bệnh hoặc cơ địa của người bệnh phù hợp hay không.
"Tình trạng này sẽ khiến người bệnh đối mặt nguy cơ mất nước hoặc bỏng nhiệt, dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe", bác sĩ Vũ nói.
Theo bác sĩ Vũ, nếu có nhu cầu làm đẹp, mọi người nên đến các cơ sở uy tín để được bác sĩ có chuyên môn tư vấn. Ngoài ra, nếu muốn phòng ngừa ung thư, mọi người nên tập thể dục thường xuyên, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ trái cây, thực hiện lối sống lành mạnh. Điều này sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong và giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Đối với trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư, mọi người nên tới các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị. Điều trị ung thư sớm và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh cao hơn.