Thực hư tin đồn thiên nga hồ Thiền Quang bị “cắt cánh”, “bẻ xương” - Ảnh 1.

Đàn thiên nga ở hồ Thiền Quang, Hà Nội. Ảnh: TL

Không có chuyện dùng “bạo lực” với thiên nga

Theo thông tin chúng tôi cập nhật, hiện đàn thiên nga tại hồ Thiền Quang được trông coi theo phương án sáng thả bơi hồ, tối lùa vào “tổ”. “Tổ” ở đây là khu vực quây lưới một góc hồ (rộng khoảng 30m2) ngay điểm trực của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội có lúc xuống đến 10 độ C nhưng cả chục công nhân Công ty vẫn trông coi đàn thiên nga “xuyên Tết”, thay phiên nhau thức trắng đêm, tránh kẻ xấu bắt trộm.

Trước đó, trong đêm đầu tiên 12 con thiên nga thả ở hồ Thiền Quang vào ngày 6/2, đông đảo công nhân Công ty được bố trí trực bốn phía hồ 24/24h theo nhiều tốp. Đơn vị tặng thiên nga là Công ty CP Đầu tư công viên Vườn chim Việt cũng thường xuyên cử người tới để kiểm tra sức khỏe đàn chim. Trao đổi cùng chúng tôi, đại diện Công ty này cho biết, đang xem xét lắp đặt camera tại hồ Thiền Quang để theo dõi, bảo vệ đàn thiên nga từ xa. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ cân nhắc trao đổi phương án bảo vệ đàn thiên nga cùng chính quyền và Công an quận Hai Bà Trưng.

Trả lời tin đồn thiên nga bị “cắt cánh”, “bẻ xương” để khỏi bay mất như trên mạng xã hội đang chia sẻ, bình luận… ông Trần Nhữ Giáp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư công viên Vườn chim Việt khẳng định, trước khi ông tặng cho Hà Nội 12 con thiên nga thì chúng đã được nuôi dưỡng, thuần phục tại trang trại của Công ty gần 2 năm nên đủ điều kiện thích nghi được với đặc trưng khí hậu, môi trường miền Bắc. Vì thế, hoàn toàn không có chuyện phải “cắt cánh”, “bẻ xương” như tin đồn.

“Chúng ta cứ hình dung đơn giản việc thuần phục thiên nga cũng tương tự như vịt trời vậy. Chỉ cần nắm vững đặc điểm giống loài, chăm sóc phù hợp, đầy đủ thì loài chim thiên nhiên này sẽ quen hơi, không bay đi đâu. Khi thuần phục thiên nga, chúng tôi tỉa một vài chiếc lông ở hai bên cánh để chúng mọc lệch nhau. Như thế, thiên nga nếu có bay cũng chỉ bay quanh hồ. Sự can thiệp này bắt nguồn từ nguyên lý bay lượn của loài chim là dựa vào lực đẩy, lực nâng của sự chuyển vận không khí. Bất kể loài chim nào khi cất cánh đều phải dựa vào sự lắc lư của cánh và lông vũ ở trên cánh chim là công cụ quan trọng. Dựa vào nguyên lý này, thiên nga hoặc các loài chim khác, sau khi đưa đến vườn thú, trước tiên phải nhổ lông vũ đi. Không có lông vũ hoặc lông vũ mọc lệch thì chúng không có sức để vẫy mạnh cánh để bay xa được nữa”, ông Trần Nhữ Giáp nói.

Quá kỳ công liệu có “dẹp”?

Từ khi có sự xuất hiện của đàn thiên nga tại Hà Nội, dư luận và giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã không ngừng quan tâm, tranh cãi câu chuyện có nên mở rộng mô hình thả thiên nga hay không. TS Nguyễn Hồng Kiên, họa sĩ Lê Thiết Cương dù đồng tình với việc thả thiên nga song vẫn cho rằng, nếu vì đàn thiên nga mà cứ phải cắt cử người trông nom, nhiêu khê thì nên “dẹp”.

Trái ngược với quan điểm ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Đừng nên đợi đến lúc dân trí không tạo nên niềm âu lo chuyện mất thiên nga thì mới thả. Loài chim này là một phần thiên nhiên, chúng làm đẹp môi trường, vậy tại sao lại không? Tôi nghĩ chúng ta phải trải qua nhiều thiệt thòi để đến một lúc nào đó người dân ý thức về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hoá”. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lấy ví dụ về lễ hội hoa anh đào nhiều năm trước từng ồn ào chuyện người dân đến chiêm ngưỡng ngắt hoa bẻ cành khiến không chỉ truyền thông trong nước mà truyền thông Nhật Bản cũng phản ánh thì vài năm trở lại đây, người dân đã dần ứng xử văn minh hơn.

“Chuyện thả thiên nga cũng như chất thử ứng xử văn hoá của người Việt. Tác động tới nhận thức của con người cần từng bước. Chúng ta cứ làm và cứ nghĩ tới điều tốt đẹp, văn hoá Việt có nhiều lỗ hổng và đây cũng là một cách hàn gắn. Người quản lý hoàn chỉnh cung cách quản lý, người hưởng thụ cũng phải học cách ứng xử văn hoá hơn”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Đồng quan điểm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Văn Thọ - người từng trải nghiệm vài chục năm sinh sống, làm việc tại nước ngoài chia sẻ: “Nhiều năm qua, các cơ quan quản lý Hà Nội đã và đang có những nỗ lực làm đẹp Thủ đô. Ví dụ, gần đây Hà Nội đã cho nạo vét Hồ Gươm, vẽ tranh trên phố Phùng Hưng… Tôi không cho rằng thả thiên nga xuống Hồ Gươm là chuyện xúc phạm thần linh. Đây là một loài chim cao quý của châu Âu. Chúng bơi trên mặt nước rất đẹp, không ảnh hưởng gì đến huyền thoại, lịch sử của hồ. Tuy nhiên, lần thả thiên nga vừa qua thì hơi tùy tiện. Tất cả những việc liên quan đến những quần thể văn hóa lớn như Hồ Gươm, Hồ Tây… muốn làm điều gì thì các cơ quan, cá nhân cũng phải xin ý kiến của các sở, ban ngành đã được thành phố giao trách nhiệm quản lý”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, việc cắt cử công nhân trông đàn thiên nga chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, Công ty sẽ nghiên cứu, áp dụng thêm những phương pháp thuận lợi hơn. Trước mắt, Công ty đang kết hợp giữa việc ban ngày các công nhân vệ sinh, vớt rác tại hồ kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ đàn thiên nga. Ban đêm công nhân trực bình thường. Theo đại diện Công ty, việc cắt cử người trực thoạt nghe mọi người nghĩ rằng phức tạp, tốn chi phí nhưng trên thực tế không làm phát sinh tiền của ngân sách, bởi khi chưa có thiên nga thì công nhân vẫn trực bình thường bất kể ngày đêm hay lễ Tết.