Cụm từ “biến đổi gen” (BĐG) cũng không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, thế nhưng nếu hỏi rằng bạn có biết thông tin gì về loại thực phẩm này, thực phẩm hằng ngày bạn ăn có liên quan đến cây trồng BĐG hay không, thì hầu hết mọi người đều rất mơ hồ. Người mua thực phẩm không để ý, không biết, và ngay cả người bán cũng chẳng có kiến thức gì hơn.
Hàng năm, Việt Nam nhập hàng triệu tấn ngô, đậu nành từ Brazil, Mỹ, Argentina, Ấn Độ, là những nước có diện tích trồng ngô và đậu nành BĐG lớn nhất thế giới. Đó còn chưa kể hàng trăm ngàn tấn thịt gia cầm, gia súc được nhập từ các quốc gia cho phép sử dụng thực phẩm BĐG làm thức ăn chăn nuôi. Có nghĩa là, từ lâu thực phẩm BĐG đã hiện diện trong bữa ăn của người Việt, và hầu hết các gia đình Việt không hề nhận thức được mình đang ăn thực phẩm BĐG.
Viễn cảnh về một thế giới với “những ruộng đồng bát ngát trù phú, cung cấp đủ lương thực cho toàn bộ dân số thế giới với con số khổng lồ gần lên tới 9 tỷ người nhờ những giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao, nơi mà người nông dân thảnh thơi không phải lo lắng nhiều về việc phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới bón và công chăm sóc” là một cái bẫy mà các tập đoàn Công nghệ sinh học xuyên quốc gia xây dựng lên nhân danh sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nó được tô màu lấp lánh tính nhân văn để che đi những góc khuất chứa đầy rủi ro.
Mới đây, Việt nam đã chính thức chấp nhận đưa giống cây trồng BĐG trồng trên diện rộng.. Và người dân Việt sẽ càng thêm phần băn khoăn khi biết rằng, tập đoàn Monsanto của Mỹ, một trong 2 công ty được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp chứng nhận được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam, chính là nhà cung cấp thuốc trừ cỏ và chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tại thời điểm này, tập đoàn Monsanto vẫn đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ khắp các nước trên thế giới về chương trình gieo trồng thực phẩm biến đổi gen. Hồi tháng 5, hàng ngàn người tràn ra các ngã đường ở 400 thành phố, từ 40 quốc gia để phản đối tập đoàn này.
Vấn đề an toàn thực phẩm, trực tiếp (ăn thực phẩm BĐG) hay gián tiếp (ăn động vật được nuôi bằng thực phẩm BĐG) vẫn là vấn đề đang được nghiên cứu và tranh cãi trên thế giới. Trong khi Mỹ chấp nhận sản phẩm BĐG thì Châu Âu là Nhật kiên quyết nói không với loại thực phẩm này.
Ở Việt nam, trên nhãn bao bì không hề có ghi chú hay chỉ dẫn gì để thông báo cho người tiêu dùng về nguồn thực phẩm, và nếu người dân cứ bị trước đi quyền được lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm BĐG như vậy, thì chúng ta đang thực sự là mẫu thí nghiệm sống cho các nhà khoa học trong nghiên cứu của họ về tính an toàn, một cách bị động đến tàn nhẫn.
Bên cạnh mối lo về tính an toàn, việc không chủ động về giống sẽ gây ra sự phụ thuộc vào các công ty cung cấp giống của các tập đoàn nước ngoài. Các tập đoàn xuyên quốc gia như Monsanto từ từ đưa “hạt giống” quyền lực của mình lan rộng dần trên các đồng ruộng khắp nơi trên thế giới. Hạt giống biến đổi gen là vũ khí mà họ sử dụng để chiếm đoạt quyền kiểm soát các nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Hiện giờ, Monsanto đang sở hữu 95% hạt giống bông tại Ấn Độ, điều này thể hiện rõ ràng sự độc quyền gần như toàn bộ về nguồn giống-tài nguyên mà đáng lẽ thuộc quyền sở hữu tất cả những người nông dân lao động trên mảnh đất của mình. Người nông dân Ấn Độ đã bị trói buộc hoàn toàn trong các thỏa thuận hợp đồng, lệ thuộc vào hệ thống nông nghiệp tập trung hóa và họ đã trở thành nô lệ trên chính quê hương của mình, không lối thoát.
Các cây trồng BĐG, và xa hơn nữa là các động vật BĐG, một trong những thành tựu khoa học tiến bộ vượt bậc của loài người, tưởng như xa xôi nhưng thực tế lại đang rất gần tất cả chúng ta, là bài toán hóc búa về sự lựa chọn cho cả các nhà chức trách và cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Sự chào đón Monsanto vào Việt nam là sự chào đón khoa học công nghệ tiến bộ trên thế giới, với ước vọng đẩy lùi nỗi lo đói nghèo đè nặng dân tộc Việt bao năm nay hay là một sự thử nghiệm liều lĩnh ẩn chứa nỗi lo về một sự hủy hoại mới của “chất độc màu xanh” mang đến từ Monsanto-cái tên liên quan đến thảm kịch “chất độc màu da cam” trong những năm chiến tranh đã qua? Câu hỏi này, chúng ta chưa sớm trả lời được.