Bác sĩ PHẠM ÁNH NGÂN, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), trả lời: Đối với phụ nữ sau sinh, việc có sữa đủ để con bú là một mối quan tâm lớn. Khi chậm sữa hoặc tắc sữa, không chỉ ảnh hưởng đến việc cho bé bú mà còn gây căng thẳng và áp lực lớn cho người mẹ. Từ xưa, dân gian đã lưu truyền nhiều cây thuốc, vị thuốc có tác dụng lợi sữa.
Dưới đây là một số loại thực phẩm dễ tìm và quen thuộc bạn có thể sử dụng. Cụ thể:
Hoa chuối, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia, đã được nghiên cứu về tác dụng tăng tiết prolactin - một hormone giúp tăng tiết sữa. Các món ăn chế biến từ hoa chuối nên được kèm thêm trong thực đơn cho mẹ sau sinh.
Cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa. Cây mọc hoang ở nhiều nơi khắp nước ta. Toàn cây dùng làm thuốc. Cây có tác dụng thanh nhiệt lương huyết. Giúp thông tiểu tiện, thông lợi sữa. Phù hợp dùng trong trường hợp tắc sữa do viêm tuyến vú. Ngày uống 20 - 40 g cây tươi sao khô, sắc đặc.
Rau đay là một loại rau quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người Việt. Canh cua rau đay là món ăn vừa giàu dinh dưỡng vừa có tác dụng nhuận tràng. Tuần đầu tiên sau sinh, có thể ăn 150 - 200 g rau đay trong bữa ăn chính; các tuần lễ sau, mỗi tuần ăn từ 200 - 250 g giúp lợi sữa.
Trâu cổ hay còn gọi là cây xộp, hạt thường được gọi là hạt vương bất lưu hành. Chữa tắc tia sữa, sữa không xuống hoặc ít sữa. Có thể phối hợp với bồ công anh, sắc uống hoặc nấu với móng giò heo, ăn một tuần vài lần.
Thông thảo - cây mọc hoang ở những nơi ẩm vùng cao. Cây có vị ngọt, tính nhạt, tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, lợi sữa. Thông thảo 10 g, với cám gạo nếp 10 g, hạt bông (sao vàng) 15g, sắc uống, tác dụng lợi sữa.
Trường hợp thể chất người mẹ suy yếu sau sinh, sữa ít dù đã bổ sung dinh dưỡng qua ăn uống thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để nâng đỡ tổng trạng cho mẹ, lợi sữa cho bé.