Vừa ra khỏi lớp, nhiều học sinh ùa chạy về khu vực phía sau dãy phòng học, nơi có một thế giới mà không đứa trẻ nào không thèm muốn: căngtin trường.
Thức ăn giá bèo
Tại một trường tiểu học không bán trú, sáu nhân viên căngtin làm việc không ngơi tay kể từ khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vừa dứt. Một thế giới ăn uống cực kỳ phong phú và hợp túi tiền các “thượng đế” nhỏ tuổi với đủ loại bánh kẹo đầy màu sắc treo lủng lẳng: ô mai, kẹo que, thạch dừa, bánh tráng trộn, kẹo bột, kẹo ống, kẹo hình viên thuốc... cùng một tủ đồ chơi búp bê, hộp ghép hình, robot, ôtô mô hình, khủng long cao su... Nước ngọt, xirô đủ màu (cam, đỏ, xanh, trắng) đầy ắp đá lạnh. Chỉ với 2.000 đồng là có thể mua được một chiếc kẹo que, kẹo phô mai. Nếu em nào có từ 5.000 đồng trở lên thì có thể mua được cả túi kẹo viên, hộp kẹo hình viên thuốc hay hộp xếp hình mini.
Ở Trường tiểu học KĐ, Q.1, một căngtin mini cũng được bố trí ngay góc sân trường. Trưa nắng, món được học sinh mua nhiều nhất là những ly nước đủ màu. Những học trò mồ hôi nhễ nhại sau giờ ra chơi tập trung lại uống chung những ly nước này. Còn ở một trường tiểu học tại Q.10, căngtin được bố trí một khuôn viên rất rộng với đủ món ăn: chè, cháo, nước mía, mì gói, bánh canh, sữa đậu nành... Tuy nhiên món được học sinh chuộng nhất vào giờ ra chơi là các túi kẹo có tặng các tấm bìa ghép hình và các loại kẹo bột màu được đựng trong ống nhựa với giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cái.
Hiểm họa khó lường
Mới đây, một phụ huynh ở Trường tiểu học PNL, Q.Gò Vấp tá hỏa khi phát hiện con mình bị lở miệng vì ăn một loại kẹo bột được bán ở trường. Kiểm tra bốn bạn học khác cũng ăn loại kẹo đó thì cả bốn đều bị nhiệt đầy miệng và bong lưỡi. Đây là một dạng kẹo bột đủ màu đựng trong ống nhựa, trẻ thường vỗ vào phần đuôi ống để bột bắn vào miệng. Bao bì được in sơ sài với tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt.
Trước đó, tại Q.Bình Thạnh, một phụ huynh cũng đưa con đến “bắt đền” nhà trường vì bé bị ói sau khi ăn một gói mực rim mua ở căngtin. Chị cho biết túi nilông đựng mực không có nhãn hiệu, chỉ được cố định sơ sài bằng loại ghim thường dùng bấm sách vở. Bên trong “mực” đã chảy ra nước màu cam đậm.
Nhân viên căngtin một trường học tại TP.HCM kể: “Tụi nhỏ mê nhất là kẹo nổ pốp chua và gậy như ý. Bọn trẻ thay đổi nhanh lắm. Có những món bán rất được nhưng chỉ trong một tuần, qua tuần lại có món mới “hot” hơn và các em bắt chước nhau mua”. Gậy như ý được làm thành những thanh dài, hình thức giống miếng mực khô, có tẩm ớt và đường. Còn kẹo nổ pốp chua thật ra là một gói bột gồm đường và một số mẩu li ti như trái cây sấy khô, ăn vào thì lưỡi sẽ phát ra những tiếng lách tách như tiếng nổ. Hai loại thực phẩm này đều có ghi nhãn bằng tiếng Việt nhưng thông tin rất mù mờ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Doãn Thành, khoa sức khỏe trường học Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho biết khi đến một số trường học, ông cũng thấy khá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe được bày bán trong căngtin và xung quanh cổng trường. “Những thực phẩm như kẹo nổ pốp chua, kẹo ống, kẹo hình viên thuốc... với xuất xứ không rõ ràng, không nhãn mác, ăn vào rất nguy hiểm, tốt nhất không nên ăn”.
Theo bác sĩ Doãn Thành, những thực phẩm này có nhiều phụ gia, màu sắc mà những phụ gia này thì “không biết được, không kiểm soát nổi”. Ngoài ra, nước ngọt, các loại nước đủ màu và các loại thực phẩm kể trên đều là... đường hết. Đường có xu hướng chuyển thành mỡ rất nhanh. Khi dư mỡ nhiều, các khoang tự nhiên trong cơ thể sẽ bị mỡ lấp đầy gây tắc thành mạch. Mỡ chạy đến các khoang trong tim sẽ làm tim co bóp không bình thường. Đột quỵ cũng từ đấy mà ra...
Các trường phổ thông ở Úc chỉ được bán các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh như nước ngọt, kẹo, sôcôla, snack... 2 lần/học kỳ (3 tháng). Và hai lần đó là những dịp đặc biệt như kết thúc học kỳ hoặc những buổi lễ hội. Thực phẩm nói trên cũng được giới hạn cả về số lượng mua với mỗi học sinh. GS.TS DANIELLE GALLEGOS (trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, ĐH QUT - Úc) |
Phải có nguồn gốc rõ ràng Một bác sĩ phụ trách y tế của một trường tiểu học cho biết việc bán các thực phẩm trong căngtin trường tại TP.HCM đều có quy định. Chẳng hạn, đơn vị buôn bán trong căngtin trường phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh (giấy này thường là quận cấp). Nhân viên phụ trách căngtin phải được khám sức khỏe 2 lần/năm và một số yêu cầu khác. Thực phẩm bán trong căngtin phải có nguồn gốc rõ ràng, có hạn dùng... và những thực phẩm như thịt, trứng gia cầm đều phải có giấy kiểm tra, kiểm dịch... MỸ DUNG ghi |