Đầu năm nay, hàng loạt nghệ sĩ đã bị lên án vì quảng cáo cho những sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng. Công chúng liên tục đặt câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của nghệ sĩ trong các vụ việc này.
Trong quá khứ, từng xuất hiện nhiều trường hợp nghệ sĩ châu Á vướng tranh cãi vì hành vi quảng cáo trái với quy định pháp luật. Họ đều bị công chúng lên án gay gắt, đánh mất tình cảm từ khán giả, thậm chí có người còn phải đối diện với vòng lao lý.
Tại sao người nổi tiếng lại có vai trò quan trọng với các nhãn hàng?
Các thương hiệu luôn quan tâm tới doanh số. Để đạt được doanh thu cao, họ thường sử dụng hàng loạt kế hoạch tuyên truyền bài bản, trong đó, sự trợ giúp từ phía nghệ sĩ nổi tiếng là vô cùng quan trọng.
Việc mời sao đình đám làm người đại diện không chỉ giúp nhãn hàng đẩy cao doanh số tiêu thụ trong những ngày đầu nhờ lượng fan đông đảo chịu chi, mà còn khiến độ nhận diện của thương hiệu gia tăng trong thời gian sau đó. Có thể thấy hình ảnh của ngôi sao nổi tiếng góp phần không nhỏ giúp thương hiệu khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng, ngay cả khi họ không phải fan của nghệ sĩ làm gương mặt đại diện.
Cũng có nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào danh tiếng của nghệ sĩ nên mới quyết định sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Chính vì vậy, các ngôi sao cần phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn thương hiệu để ký hợp đồng quảng cáo bởi họ sẽ tác động tới tâm lý mua sắm của rất nhiều người.
Các quốc gia khác quản lý hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ như thế nào?
Khi sự tham gia của giới nghệ sĩ vào các hoạt động quảng cáo ngày 1 sâu rộng, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng họ để thu lợi bất chính. Để giải quyết tình trạng này, nhiều quốc gia đã đặt ra hàng loạt quy định liên quan tới vấn đề sử dụng nghệ sĩ trong quảng cáo.
Tại Trung Quốc, các nghệ sĩ làm người đại diện sẽ phải cùng chịu trách nhiệm với nhãn hàng khi quảng cáo sai lệch, trong trường hợp những sản phẩm này có liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng. Cón đối với những hàng hóa không thuộc lĩnh vực sức khỏe, nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm chung với nhãn hàng khi họ biết rõ về đặc tính, tác hại của sản phẩm.
Về khung hình phạt cho những sai phạm nói trên, người nổi tiếng không chỉ bị thu hồi toàn bộ thù lao quảng cáo mà còn phải nộp phạt thêm tối đa 2 lần số tiền thù lao mà họ nhận được. Thậm chí, nếu nghệ sĩ cố tình thông đồng cùng nhãn hàng lừa đảo, gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng thì họ sẽ phải đối diện vòng lao lý, bị khởi tố.
Còn tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc,… tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa thường rất cao. Các nhãn hàng muốn tìm người đại diện, quảng cáo nhất định phải có đầy đủ giấy phép lưu hành trên thị trường. Nhìn chung không có chuyện nghệ sĩ tại những quốc gia này quảng cáo hàng hóa chưa rõ xuất xứ.
Ở Hàn Quốc, công chúng quan tâm nhiều tới vấn nạn quảng cáo trá hình. "Quảng cáo trá hình" tức là những hoạt động livestream tuyên truyền sản phẩm của người nổi tiếng nhưng trong video của mình, họ không nói rõ đang quảng cáo, mà nói dối rằng bản thân tự bỏ tiền mua, sử dụng mặt hàng. Dù những sản phẩm đều có giấy phép lưu hành nhưng ở 1 mức độ nào đó, các ngôi sao này vẫn bị chỉ trích là lừa dối công chúng vì dù chưa sử dụng chúng nhưng lại nói đã dùng rồi và kêu gọi mọi người cùng mua.
Để giải quyết vấn đề nói trên, từ tháng 9/2020, Hàn Quốc đã cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 2% từ doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won (8,7 tỷ đồng) tùy vào từng trường hợp.
Phần lớn nghệ sĩ tại xứ sở kim chi đều có công ty quản lý riêng. Họ không tùy tiện nhận và ký hợp đồng quảng cáo mà phải thông qua công ty chủ quản. Các nghệ sĩ tại đây cũng không tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội những nội dung quảng cáo ngoài tấm poster, đoạn video đã được phát hành trước đó. Nếu muốn quảng cáo thêm cho sản phẩm mà mình làm gương mặt đại diện, họ phải được sự cho phép từ phía công ty quản lý.
Ngoài ra, các ngôi sao xứ Hàn cũng ý thức được rằng không tùy tiện nhắc tới những thương hiệu mà họ chưa ký hợp đồng quảng cáo. Thậm chí, họ còn tránh né việc sử dụng, chụp hình,… những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu chọn mình làm đại diện. Vậy nên mới có chuyện Jennie (BLACKPINK) từng từ chối chụp ảnh cùng fan chỉ vì người hâm mộ đưa cho cô chiếc điện thoại mang thương hiệu khác với nhãn hàng mà nữ ca sĩ đang làm gương mặt đại diện.
Các nghệ sĩ xứ Hàn cũng không được phép nhắc tới tên thương hiệu trên sóng truyền hình, ngay cả những sản phẩm do họ làm người mẫu quảng cáo. Rất nhiều bài hát của các ngôi sao đình đám Kpop như EXO, BIGBANG,… đã bị nhà đài "tuýt còi" vì xuất hiện tên thương hiệu trong phần lời ca khúc.
Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc cũng rất coi trọng những tác động từ quảng cáo tới tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Với những tác động theo chiều hướng không như mong muốn, chính quyền sẽ có sự can thiệp kịp thời.
Nhận thấy việc các ngôi sao nổi tiếng tham gia quảng cáo rượu có thể khiến số lượng người trẻ sử dụng chúng gia tăng, Hàn Quốc đã chính thức cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu từ nửa cuối năm nay.
Các ngôi sao phải trả giá ra sao vì hành vi quảng cáo trái với quy định?
Thị trường quảng cáo tại Hàn không nhiễu loạn nhưng vẫn có vài cá nhân hứng chịu chỉ trích vì quảng cáo trá hình, tùy tiện nhắc tới tên thương hiệu trên sóng truyền hình. Nữ ca sĩ nổi tiếng Kang Min Kyung đến từ nhóm nhạc Davichi từng phải cúi đầu xin lỗi sau khi những video do cô đăng tải xuất hiện dấu hiệu quảng cáo trá hình. Do scandal nổ ra trước khi Hàn có luật cấm quảng cáo ngầm nên người đẹp không phải nộp tiền phạt.
Hyeri (Reply 1988) là 1 nghệ sĩ khác từng vướng tranh cãi về quảng cáo. Vào năm 2019 khi xuất hiện trên chương trình Amazing Saturday, nữ ca sĩ đã đề cập tới tên 1 trung tâm mua sắm do người nhà làm chủ. Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc đã quyết định cảnh cáo chương trình Amazing Saturday. Hyeri phải lên tiếng xin lỗi vì gây ảnh hưởng tới show và chấp nhận nộp phạt.
Còn ở Trung Quốc, thực trạng nghệ sĩ quảng cáo sai lệch vẫn tồn tại, gây nhức nhối. Nhiều nghệ sĩ lựa chọn cách giữ im lặng, để nhãn hàng giải quyết vấn đề. Thực tế trong nhiều trường hợp, nếu ngôi sao thực sự không biết về thành phần, bản chất, tác hại,… của sản phẩm, họ có thể thoát khỏi các rắc rối liên quan.
Tuy nhiên, công chúng vẫn lên án gay gắt những nghệ sĩ này vì vô trách nhiệm, không tìm hiểu kỹ về mặt hàng trước khi ký hợp đồng quảng cáo. Nghệ sĩ có tác động lớn tới tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nên vì hám lợi mà tùy ý nhận quảng cáo cho các nhãn hàng kém chất lượng là hành vi thiếu đạo đức. Dù có thể không chịu thiệt hại đáng kể về tài chính nhưng các ngôi sao này chắc chắn sẽ mất 1 lượng fan lớn, sự ủng hộ từ đông đảo công chúng.
Năm 2010, ngôi sao thế giới Thành Long nhận quảng cáo cho 1 loại dầu gội chứa chất gây ung thư. Scandal khiến nam tài tử bị chỉ trích trong 1 thời gian dài, chịu điều tiếng ham tiền, vô trách nhiệm với công chúng.
Tài tử Hoàn Châu Cách Cách - Trần Chí Bằng từng bị chỉ trích nặng nề vì quảng cáo vàng kém chất lượng, có dấu hiệu… bay màu. Vốn là siêu sao đình đám nhưng vì 1 vài sự cố đáng tiếc mà sự nghiệp của Trần Chí Bằng ngày càng đi xuống.
Vài năm trở lại đây, nam nghệ sĩ buộc phải sử dụng nhiều chiêu trò để gây chú ý với công chúng. Sau vụ việc bị tẩy chay vì quảng cáo hàng kém chất lượng, con đường hoạt động showbiz của anh có thể sẽ ngày càng khó khăn hơn.
2 ngôi sao nổi tiếng Lưu Thi Thi và Quan Hiểu Đồng là những đối tượng tiếp theo hứng chịu "gạch đá" từ công chúng vì tranh cãi liên quan tới quảng cáo. Cụ thể, Lưu Thi Thi mất điểm vì làm người đại diện cho 1 sản phẩm dầu gội đầu gây rụng tóc. Trong thời gian qua, nhãn hàng này đã phải "đau đầu" giải quyết những phàn nàn từ phía khách hàng còn danh tiếng của Lưu Thi Thi cũng bị ảnh hưởng không ít.
Về phần Quan Hiểu Đồng, cô quảng cáo cho 1 thực phẩm, liên tục kêu gọi mọi người ăn hàng ngày mà không sợ béo. Tuy nhiên, netizen nhanh chóng phản bác rằng thực phẩm này vốn không có tác dụng giảm cân như những gì Quan Hiểu Đồng đề cập. Scandal khiến nữ diễn viên đánh mất lượng fan không nhỏ.
Vào tháng 5 vừa qua, "Đệ nhất mỹ nữ Bắc Kinh" Cảnh Điềm bị cục giám sát thị trường thành phố Quảng Châu đã ra quyết định xử phạt hành chính vì tham gia hoạt động quảng cáo bất hợp pháp. Tổng số tiền mà nữ diễn viên phải nộp là 7,2 triệu nhân dân tệ (25 tỷ đồng), bao gồm khoản thu nhập bất hợp pháp và 4,6 triệu nhân dân tệ tiền phạt (16 tỷ đồng).
Qua điều tra, Cảnh Điềm được mời quảng cáo cho sản phẩm “trái cây và rau” do 1 công ty nói sản xuất, được cho là có tác dụng ngăn hấp thụ đường và chất béo. Tuy nhiên, trên thực tế, mặt hàng trên chưa có bất kỳ sự chứng thực nào về công dụng nêu trên. Vụ việc đã khiến nữ diễn viên phải công khai xin lỗi, danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ dừng lại ở việc bị công chúng chỉ trích và nộp phạt, có trường hợp nghệ sĩ đã phải đối diện vòng lao lý vì hành vi quảng cáo trái pháp luật. Hồi tháng trước, người mẫu Quách Mỹ Mỹ đã chính thức bị bắt tạm giam vì hành vi quảng cáo, bán thuốc giảm cân có thành phần gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Nếu bị định tội, cô có thể sẽ phải ngồi tù.
Tạm kết
Công chúng thường có tâm lý mua hàng hóa vì tin tưởng, ủng hộ,… nghệ sĩ. Chính vì vậy, người nổi tiếng cần có trách nhiệm với công chúng bằng cách tìm hiểu kỹ sản phẩm, hàng hóa trước khi quyết định ký hợp đồng quảng cáo. Việc làm này không chỉ cho thấy trách nhiệm với cộng đồng mà còn vì chính danh tiếng, hình ảnh, tương lai của người nghệ sĩ.