Nước mía là thức uống giải nhiệt rất tốt trong những ngày hè oi bức. Lý do đơn giản bởi chúng có vị ngọt mát, lại giàu năng lượng nên có thể khiến cơ thể cảm thấy sảng khoái ngay lập tức.
Từ nhiều thiên niên kỷ trước, mía đã xuất hiện ở Ấn Độ và các khu vực Đông Nam Á. Trong hệ thống y học Ayurveda, mía còn được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến vàng da, tiết niệu, chảy máu...
Nước mía có chứa các đặc tính giải độc có thể làm sạch các chất độc trong cơ thể và tăng cường sự trao đổi chất, đốt cháy chất béo hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo Tạp chí Thực phẩm Chức năng Châu Á nước mía thực sự giúp bảo vệ gan khỏi bị hư hại và hoạt động như một chất giảm nhẹ cho gan bị tổn thương.
Bên cạnh đó, thức uống này cũng đem lại nhiều lợi ích cho làn da, do chúng có chứa một lượng lớn axit alpha hydroxyl (hay còn gọi là AHA). Có thể giúp duy trì một làn da khỏe, ít mụn, ngừa lão hóa.
Uống nhiều nước mía có thể làm tăng đường huyết
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước mía cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa như như phenolic, flavonoid… Đáng nói, nước mía là một thức uống giàu đường.
Trung bình 1 cốc nước mía 240ml chứa đến 50g đường, bằng tương đương với 12 thìa cà phê đường. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nam giới chỉ nên dùng 9 thìa cà phê, nữ giới nên dùng 6 thìa cà phê đường mỗi ngày. Đường là một loại card, sau khi tiêu thụ cơ thể sẽ phân hủy thành glucose. Những thức uống có hàm lượng carb cao như nước mía có thể làm tăng lượng đường trong máu của chúng ta.
Nước mía không phải là đường nguyên chất. Nó có chứa khoảng 70–75% là nước, khoảng 10-15% chất xơ và 13–15% đường ở dạng sucrose. Tuy nước mía có chứa chất xơ, nhưng các chuyên gia vẫn khuyên nên lấy chất xơ từ thực vật hơn là đồ uống ngọt. Do đó, dù nước mía tốt nhưng việc lạm dụng chúng có thể dẫn đến tình trạng làm tăng đường huyết.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong y học cổ truyền, nước mía vị ngọt, tính bình. Công dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt…
Vị lương y cho biết, vào mùa hè nước mía là một trong những loại đồ uống giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, trong mía có chứa nhiều loại đường tên là sucrose. Đây là loại đường khiến cho chỉ số đường huyết tăng đột biến khi nạp vào cơ thể. Do đó, để kiểm soát đường huyết luôn ổn định, người bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn mía và uống nước mía. Nếu đường huyết ổn định, bệnh nhân có thể xin ý kiến bác sĩ về liều lượng dùng cho phép.
Bà bầu cũng không nên uống quá nhiều nước mía vì thành phần cơ bản của nước mía là đường, nếu nạp quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Chúng ta nên uống nước mía như thế nào?
- Kể cả người khỏe mạnh cũng không nên uống quá nhiều nước mía vì dễ tăng cân, tăng đường huyết. Liều lượng được khuyến cáo khi uống nước mía là 100 đến 200ml mỗi ngày và tốt nhất nên sử dụng vào buổi chiều. Có thể uống 1-2 ly nước mía trong tuần.
- Những nhóm người có đường ruột yếu, hay đầy bụng và gặp vấn đề về tiêu hóa... không nên sử dụng nước mía thường xuyên vì sẽ làm cho tình trạng cơ thể trở nên trầm trọng hơn.