- 1. Gừng, mật ong, nước, chanh tươi (chanh vàng), tinh bột bắp Vừa đủ
Một cốc trà gừng mật ong ấm nóng không chỉ là một liệu pháp chữa cảm cúm hiệu quả mà còn mang lại vô số lợi ích khác cho sức khỏe.
Vào lúc chuyển mùa, các cơn cảm cúm hoành hành. Đặc biệt trong mùa dịch này, hãy chăm sóc sức khỏe gia đình bạn bằng một tách trà tăng sức đề kháng. Sử dụng trà gừng mật ong có vị cay nhẹ của gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Trong gừng có hợp chất hoạt tính gingerol có đặc tính cay. Bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả làm ấm tức thì khi sử dụng bất kỳ loại trà nào có gừng. Đó cũng là lý do loại củ dân dã này được dùng làm phương thức giữ ấm cơ thể từ thời ông cha.
Gừng có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch và tiêu viêm. Bên cạnh đó, loại thức uống này cũng mang lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như làm dịu cơn ho khan và đau họng, giảm đau bụng, ngăn cơn buồn nôn, giảm cholesterol và huyết áp.
Pha trà gừng mật ong rất dễ, nhưng pha thế nào để trà giữ nhiệt lâu, dậy vị của gừng lẫn mật ong thì không phải ai cũng biết. Bạn thử cách dưới đây xem sao nhé!
Cách pha trà gừng mật ong
Thực hiện
Dùng dao cạo sạch vỏ gừng, cắt bỏ phần già và đen.
Dùng dụng cụ bào, bào nhỏ lấy thịt gừng. Nên bào theo chiều dọc, không nên đặt ngang củ gừng vì dễ bào phải xơ.
Sau khi bào, thu được cả phần sợi thịt củ gừng và nước cốt.
Cho gừng và nước vào nồi nhỏ đun sôi, hạ lửa nhỏ.
Thêm mật ong vào và khuấy đều để mật ong quện đều. Ngoài mật ong, bạn có thể dùng si rô lá phong để tạo vị ngọt.
Khi trà sôi trở lại, hạ lửa nhỏ và thêm một xíu nước cốt chanh vào. Nếu có chanh vàng thì càng tốt bởi mùi chanh vàng thơm đặc trưng, hợp làm trà hơn. Chanh xanh dễ bị đắng.
Cho bột bắp vào bát, trộn cùng nước lạnh với tỉ lệ 1:1, hòa tan đều để không bị vón cục.
Rưới đều hỗn hợp lên nồi trà gừng. Khuấy đều đến khi trà hơi sánh lại.
Đổ ra cốc và thưởng thức.
Trà nên sử dụng luôn và không nên để qua đêm. Nếu trà gừng mật ong quá đặc, có thể thêm chút nước và hâm nóng lại.
Tại sao nên thêm tinh bột bắp vào trà gừng?
Công dụng lớn nhất khi cho tinh bột bắp vào trà để giúp giữ nhiệt. Khi pha trà thông thường, trà chỉ nóng lúc mới pha, và sẽ nguội nhanh sau đó. Tuy nhiên, khi sử dụng bột bắp, trà sẽ giữ nhiệt được lâu hơn.
Ngoài ra, trong công thức trà gừng mật ong này sử dụng thịt củ gừng bào nhỏ. Dùng bột bắp để giữ cho sợi gừng li ti có thể nổi lên trên. Làm như vậy vừa giữ cho cốc trà đẹp mà lại thưởng thức được sợi gừng. Nếu không dùng bột bắp, mọi sợi gừng sẽ lắng hết xuống đáy cốc. Nhiều người khi uống trà, uống hết phần nước mà phần còn lại dưới đáy bỏ đi, rất lãng phí.
Các thành phần trong trà gừng mật ong đều cực tốt cho sức khỏe
- Gừng khi thu hoạch sớm sẽ non mềm, có vị ngọt nhẹ. Gừng bánh tẻ có dạng sợi và dai hơn cùng với vị the, cay nồng. Gừng quá già mặc dù vị cay nhiều nhưng sẽ có nhiều xơ. Bởi vậy, khi làm trà gừng mật ong, nên dùng gừng bánh tẻ là tốt nhất.
- Bạn có thể dùng nước lọc thông thường để nấu trà. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi hương vị bằng cách nấu lá trà xanh, trà túi lọc các hương vị theo sở thích.
- Mật ong hoặc vị ngọt bạn thích (đường phèn, cỏ ngọt, si rô cây phong). Bạn có thể không dùng chất tạo ngọt. Tuy nhiên, mật ong giúp cân bằng vị cay của gừng và làm cho vị trà ngon hơn. Mật ong cũng có các đặc tính giữ ấm và làm dịu cổ họng. Cách kết hợp này cũng phù hợp với trẻ em.
- Các loại quả họ cam quýt rất thích hợp khi cho vào công thức trà này như chanh, chanh leo, quýt, thanh yên hoặc cam. Chúng không chỉ tạo thêm hương thơm mà còn cung cấp nhiều vitamin C. Nếu không dùng nước chanh tươi vắt, bạn có thể cho vào trà nước ép cam hoặc quýt.
- Tinh bột bắp, hoặc bạn có thể dùng tinh bột khoai tây, khoai lang, bột năng. Sử dụng bột này không chỉ giúp trà giữ nhiệt mà còn bổ sung thêm tinh bột.
Khi nấu trà, đun gừng sôi càng lâu thì gừng sẽ càng cay và đậm đà hơn vì tiết nhiều gingerol. Bởi vậy, hãy tùy chỉnh độ cay của gừng theo ý thích của bạn.