Đây là nội dung được lực lượng Hải quan, Biên phòng và công an các tỉnh… nêu ra tại hội nghị tổng kết cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, do Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý (C04) Bộ Công an vừa tổ chức tại TPHCM.

Thuê phụ nữ vận chuyển ma túy

Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, An Giang có đường biên giới dài 9,6km, tiếp giáp với hai tỉnh Kandal và Takeo của Vương quốc Campuchia. Địa giới hành chính giữa hai nước vừa có đường bộ, đường thủy chạy dọc theo 18 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố; có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ và hơn 51 đường mòn, lối mở, các sông, kênh rạch chằng chịt. Đây là điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế, phát triển xã hội nhưng cũng là điều kiện để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm về ma túy.

Thuê phụ nữ giả trang thăm thân để vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh 1.

Ma túy ngụy trang trong các loại hàng hóa để vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam. Ảnh: Công an cung cấp.

“Phần lớn người phạm tội là người Việt Nam mang quốc tịch Campuchia, đang cư trú, sinh sống tại Campuchia, không nghề nghiệp ổn định, nghiện ma túy. Họ muốn có tiền tiêu xài, mua ma túy sử dụng nên bị các đối tượng cầm đầu lôi kéo, dụ dỗ cho hưởng lợi cao để tham gia, giúp sức vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam”, Đại tá Ân cho hay.

Theo Đại tá Ân, các đường dây này hoạt động quy mô, liên kết chặt chẽ, luôn thay đổi quy luật, địa bàn và thủ đoạn. Khi phát hiện, bắt giữ, các đối tượng bỏ lại hàng hóa, tẩu thoát về Campuchia và lực lượng chức năng không thể tiến hành mở rộng, xử lý các đối tượng có liên quan đang ở nước ngoài.

Thuê phụ nữ giả trang thăm thân để vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh 2.

Đại tá Ngô Văn Hải cho biết các đối tượng tội phạm ma túy sử dụng mạng xã hội để trao đổi, mua bán. Ảnh: T.S.

Thông tin thêm về thủ đoạn của các đường dây vận chuyển ma túy, Đại tá Ngô Văn Hải, Trưởng phòng 1, Cục C04, các đối tượng phạm tội chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Campuchia, họ lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Các đường dây này hoạt động khép kín, sử dụng ứng dụng Wechat, Zalo, Viber, Telegram... để điều hành, giao dịch theo từng công đoạn với nhiều mắt xích từ Campuchia về TPHCM.

“Mỗi mắt xích trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý sẽ phụ trách vận chuyển một quãng đường nhất định, chúng không biết mặt nhau, sử dụng tên giả để che giấu nhân thân, chỉ nhận diện qua ám hiệu, tín hiệu đã được thống nhất từ trước như tờ tiền hoặc mật khẩu”, Đại tá Hải chia sẻ.

Nhiều đối tượng khác được thuê để đi trước dò đường, cảnh giới và khi thấy an toàn thì mới thông báo cho đồng bọn để vận chuyển ma túy trên phương tiện khác. Ma tuý được cất giấu trong người, khoảng trống tự nhiên hoặc tự tạo của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, giấu lẫn trong hàng hoá cồng kềnh như kiện hàng, máy móc, thùng thuốc lá điếu, nông sản, hải sản…

Cùng quan điểm, đại diện Hải quan cho biết, các đối tượng cầm đầu thường thuê phụ nữ, lao động làm thuê bị thất nghiệp, người có hoàn cảnh khó khăn, cải trang dưới dạng đi thăm người thân, hành khách liên tỉnh, người đi nương rẫy hoặc lợi dụng đêm tối để vận chuyển ma túy được ngụy trang trong hàng hóa, hành lý, đồ dùng cá nhân...

Làm gì để ngăn chặn?

Đại tá Hải cho rằng, hai nước cần nâng cao chất lượng trao đổi thông tin giữa thông qua mạng lưới đường dây nóng và 8 Văn phòng BLO của Việt Nam đối biên với 7 Văn phòng BLO của Campuchia.

Theo dõi các đường dây, đối tượng sang chơi tại các sòng bạc, đá gà bên kia biên giới… nhằm chủ động xác minh, xác lập các chuyên án chung để tập trung đấu tranh có hiệu quả; phối hợp kiểm soát tiền chất xuất nhập cảnh, quá cảnh qua tuyến biên giới hai nước…

Thuê phụ nữ giả trang thăm thân để vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh 3.

Một đối tượng vận chuyển thuê ma túy từ Campuchia về TPHCM bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Dự báo tội phạm ma túy dịch chuyển từ khu vực phía Bắc và miền Trung về các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Công an tỉnh An Giang, Công an tỉnh Tây Ninh và đại diện Hải quan cho rằng, hai nước cần tổ chức các đợt truy quét các tụ điểm tập kết ma túy trên tuyến biên giới và ngoại biên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực biên giới…

Bên cạnh đó, hai nước cần bố trí lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy tại địa bàn trọng điểm, tập huấn phương án chặn bắt các đối tượng buôn bán ma túy có vũ khí nóng.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng địa hình, chính sách về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để mua bán, vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp, hàng đá, ketamin với số lượng lớn tại địa bàn trọng điểm như: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang...

Do đó, hai nước cần trao đổi thông tin thường xuyên về các đối tượng chủ mưu của các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới; tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách; vận động người dân ở hai biên giới đấu tranh, tố giác tội phạm và không trồng cây chứa chất ma túy…

Thuê phụ nữ giả trang thăm thân để vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh 4.

Đại tướng Khing Sà-rạt đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong công tác phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: H.T.

Trao đổi bên lề hội nghị, Đại tướng Khing Sà-rạt, Cục trưởng Cục Chống tội phạm ma tuý, Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia cho biết, các cơ quan chức năng của hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống tội phạm ma túy và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Về việc Việt Nam thành lập Văn phòng BLO tại Đồng Tháp, Đại tướng Khing Sà-rạt cũng thống nhất thành lập Văn phòng BLO tại tỉnh Prey Veng để hai bên thuận lợi trong việc trao đổi thông tin, phối hợp phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.