Từ đầu năm 2025 đến nay, cơ quan chức năng liên tiếp triệt phá những đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn tại TP HCM và Thanh Hóa. Đáng chú ý, những loại thuốc giả chủ yếu được tiêu thụ qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hoặc phân phối "chui" đến tận tay người tiêu dùng bằng nhiều hình thức tinh vi.
Có thể gây biến chứng, mất mạng
Đầu năm 2025, Công an TP HCM đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả dạng viên nang, ghi công dụng trị xương khớp, dạ dày, trĩ, viêm mũi, phong ngứa, tim mạch, thần kinh...
Chỉ chưa đầy 3 tháng sau, giữa tuần này, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triệt phá một đường dây chuyên sản xuất thuốc giả, trong đó chủ yếu là các loại thuốc điều trị xương khớp, tiểu đường, thậm chí là kháng sinh.
Nhìn nhận mối nguy từ thuốc giả, đại tá - BSCK2 Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cảnh báo thuốc giả không có hoạt chất điều trị nên người bệnh không được chữa đúng bệnh. Điều này khiến bệnh tình trở nặng hơn. Nguy hiểm hơn nữa là trong thuốc giả có thể chứa những thành phần lạ, bắt cơ thể vốn đang bệnh phải chuyển hóa thêm các chất độc hại, làm tăng gánh nặng chuyển hóa và đầu độc cơ quan nội tạng.

Người dân nên sử dụng thuốc được kê toa từ bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín, nơi thuốc được kiểm duyệt chặt chẽ từ khâu đấu thầu đến đánh giá chất lượng Ảnh minh họa: AI
"Bệnh nhân bị loãng xương mà dùng thuốc giả thì nguy cơ gãy xương cao hơn. Những bệnh nhân thoái hóa khớp có thể bệnh thêm nặng, thậm chí mất khả năng đi lại. Trường hợp viêm khớp thì teo cơ, cứng khớp là điều khó tránh khỏi nếu không có thuốc điều trị thật sự. Riêng với bệnh tiểu đường - căn bệnh cần kiểm soát đường huyết rất chặt - việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây hôn mê do tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột, trong nhiều trường hợp dẫn tới tử vong" - BS Ân cho biết.
Theo BS Ân, Bệnh viện Quân y 175 từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 85 tuổi, nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, rối loạn tim mạch và hô hấp, sau khi sử dụng thuốc tiểu đường mua qua mạng xã hội. "Khai thác bệnh sử thì bệnh nhân không dùng thuốc kê đơn mà tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc qua mạng" - BS Vũ Đình Ân kể.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết thêm là hậu quả của thuốc giả không chỉ là tiền mất tật mang, mà thậm chí có thể mất mạng.
"Nhiều bệnh nhân tin vào các bài thuốc đông y không rõ nguồn gốc, thực chất đây là thuốc trộn tân dược, đặc biệt là corticoid, thuốc kháng viêm, giảm đau, khiến người bệnh bị phù thận, suy gan, dẫn đến biến chứng nặng. Đặc biệt với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, việc tự ý dùng thuốc, chưa nói đến thuốc giả, đã là nguy cơ lớn. Bởi mỗi bệnh lý có phác đồ riêng, nếu dùng sai thuốc hoặc thuốc giả, nguy cơ tương tác thuốc và biến chứng sẽ rất nghiêm trọng" - BS Hùng cảnh báo.
Có bệnh phải khám bệnh, kê toa
TS-BS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh việc phân biệt thuốc giả - thuốc thật không thể nhìn bằng mắt thường. Chỉ có thể kiểm định tại các cơ sở chuyên môn. Vì vậy, người dân nên sử dụng thuốc được kê toa từ bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín.
Lý giải vì sao người dân vẫn tin vào các loại thuốc không rõ nguồn gốc, BS Vũ Đình Ân cho rằng không phải ai cũng nghe theo lời BS. Có những trường hợp người thân là BS cũng không thể khuyên được. Người ta tin vào quảng cáo, KOL, người nổi tiếng, mà bỏ qua khuyến cáo y tế.
BS Ân cảnh báo người bệnh không nên tự ý mua thuốc trên mạng, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, xương khớp, tim mạch... Những loại thuốc này đòi hỏi phải được kê đơn, theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh liều lượng đúng cách. Nếu dùng sai, không chỉ không hiệu quả mà còn dễ gây biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy hô hấp cấp, hôn mê và tử vong.
Theo các BS, nguyên nhân khiến người bệnh sử dụng thuốc giả xuất phát từ thói quen tự điều trị tại nhà, tin lời quảng cáo, truyền miệng, hoặc ngại đến BS khám.
Các yếu tố chống thuốc giả
TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết thêm bên cạnh việc xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là người dân phải nâng cao nhận thức. Sức khỏe không thể đặt cược bằng niềm tin, cảm tính hay lời giới thiệu. Mọi bệnh lý - đặc biệt là bệnh mạn tính - đều cần được BS thăm khám, chẩn đoán và kê toa phù hợp.
BS Vũ Đình Ân cho rằng để ngăn chặn tình trạng thuốc giả trôi nổi, cần đẩy mạnh 3 yếu tố gồm: Tăng cường vai trò của y tế cơ sở; khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh lý; truyền thông y tế chủ động, đúng định hướng.
"Trước đây, đã từng có quy định cấm quảng cáo thuốc chữa bệnh trên truyền hình, nay cần siết chặt hơn nữa với các nền tảng số. Đồng thời, người dân cần hiểu rõ thuốc là con dao hai lưỡi - đúng thuốc là cứu sinh, nhưng nếu sai thuốc, giả thuốc thì hậu quả rất khó lường" - BS Ân kiến nghị.
Sữa giả làm cho bệnh nặng thêm
Mới đây, Bộ Công an cũng đã phát hiện đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả gây rúng động dư luận, đặc biệt khi đối tượng nhắm đến là trẻ em, người bệnh, phụ nữ mang thai. Theo BS Lê Thảo Nguyên, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP HCM), sữa giả thường thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất... gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển ở trẻ em. Với người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, ung thư, việc dùng sữa giả có thể làm bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, quy trình sản xuất không bảo đảm còn khiến sữa giả dễ nhiễm khuẩn, lẫn kim loại nặng, gây ngộ độc, dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa. Người tiêu dùng có thể nhận biết sữa giả qua các dấu hiệu: mã vạch không trùng khớp, màu sắc bất thường, sữa vón cục, mùi vị chua, hắc hoặc có mùi hóa chất. Để bảo vệ sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo chỉ nên mua sữa tại nơi uy tín, không tin vào quảng cáo "chữa bệnh thần kỳ" và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện sản phẩm nghi ngờ.