Đó là trường hợp của Nguyễn Thanh Quyền (21 tuổi, quê Bến Tre), một trong những hoàn cảnh thương tâm mà bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) đang tiếp nhận điều trị. Nhiều nạn nhân vì bỏng quá nặng không thể lấy da tự thân ghép vào vết thương, các y bác sĩ phải động viên gia đình cho da cứu người.
Một trường hợp bệnh nhân bỏng nặng cần cho da để ghép.
Em trai hai lần lóc da cứu anh bị lửa dầu thiêu sống
Nằm co ro trên một chiếc giường tại phòng 4 khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, hình ảnh của Quyền khiến ai nhìn thấy không khỏi giật mình xen lẫn xót xa. Từ một chàng trai 21 tuổi trẻ trung đầy sức sống, cơ thể Quyền giờ chi chít vết thương, toàn thân bong tróc lở loét. Tai nạn quá bất ngờ đổ sập xuống đầu chàng trai khiến tương lai Quyền giờ cũng tối tăm mù mịt.
Theo lời kể của người nhà, vì cuộc sống quá khó khăn, Quyền nghỉ học sớm xin vào làm cho một cơ sở sửa chữa tàu cá tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.
Hai tháng trước khi đang làm việc trong hầm máy, vì bất cẩn làm lửa bén vào thùng dầu, Quyền mắc kẹt bên trong và bị thiêu sống. Khi mọi người đưa được chàng trai ra ngoài, cơ thể Quyền đã nám đen.
Tai nạn kinh hoàng khiến chàng trai bỏng rất nặng.
Anh Quyền và người mẹ bên giường bệnh. (Ảnh: N.S)
Trong lúc mẹ ruột ngất xỉu vì nghe tin dữ, nạn nhân được người xung quanh đưa đi cấp cứu tại BV địa phương. Tình trạng quá nặng, Quyền được chuyển tiếp đến BV Chợ Rẫy, khi trong người chỉ còn vỏn vẹn 200.000 đồng.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân bị bỏng lửa dầu 69% độ 2-3. Những vùng da như đùi, cẳng chân đều bỏng sâu nên không có da để cứu. Trước tình hình này, các y bác sĩ đã vận động gia đình hiến da cứu con. Tuy nhiên, cha Quyền bị đau cột sống, sức khỏe không cho phép. Trước tình thế cấp bách, người em 16 tuổi đã tình nguyện 2 lần lóc da cho anh.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho biết, các vùng da có thể lấy được như đùi, cẳng chân của Quyền đều bị bỏng nặng
Sau khi lấy da của em trai ghép vào, hiện sức khỏe Quyền đã ổn định. Tuy nhiên quá trình điều trị cần lâu dài, mà chi phí thì đã đội lên con số khổng lồ. Ngoài tiền nợ gần 100 triệu đồng, mỗi ngày nằm viện của Quyền cũng ngót nghét con số 5 triệu đồng. Gia đình Quyền hiện đã bất lực với số tiền trên.
Xin da còn khó hơn xin tạng
Cũng lâm vào bi kịch như Quyền là hoàn cảnh của chàng trai Lê Văn Tiến (22 tuổi). Đang làm việc trong một nhà máy tại Vũng Tàu thì lò thép bất ngờ phát nổ. Cơ thể Tiến bị thép đang nóng chảy ngấu nghiến.
Sau khi sơ cứu, Tiến được đưa lên BV Chợ Rẫy với chẩn đoán bỏng lửa 46% độ 2-3, 33% độ 3 toàn thân. Diện tích bỏng sâu nhiều, lên đến 33%, lại bỏng ở những vùng có thể lấy da cấy ghép được như tay, chân.
Bệnh nhân Lê Văn Tiến.
"Bệnh nhân không còn da để ghép nữa. Điều trị tích cực qua một thời gian đến khi cần ghép da, chúng tôi phải động viên gia đình cho da. Nếu không có da người nhà thì cũng bó tay không cách gì cứu được" - ác sĩ Ngô Đức Hiệp chia sẻ.
Nghe vậy, ông Lê Văn Viêm (cha của anh Tiến) đồng ý ngay lập tức. Ông nói với bác sĩ cứ lấy da tuỳ ý, bao nhiêu cũng được, miễn sao con ông được cứu. Ít lâu sau, vùng da hai bên đùi của người cha được lóc ra để ghép cho con trai.
Để cứu tiến, người cha chấp nhận lóc da đùi của mình.
Ông Viêm chia sẻ, thời gian đầu rất đau nhức nhưng giờ da đã dần lành.
Sau ca mổ ghép da, tình trạng bệnh nhân khá ổn định, vết thương lành tốt. Dự kiến có thể xuất viện trong tuần tới. Tại giường bệnh, người cha với hai mảng đùi đỏ hồng nhưng khuôn mặt nhẹ nhõm, vì con đang dần khỏe lại.
Sức khỏe anh Tiến đang dần ổn định sau khi được ghép da.
Theo bác sĩ Hiệp, cho da là chuyện thường xuyên ở khoa, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm thường quy, kiểm tra các bệnh lây nhiễm trước khi tiến hành. Thường vết thương sau khi lóc da sẽ lành khá tốt, ngoại trừ những người có cơ địa sẹo lồi. Do đó bác sĩ sẽ cố gắng làm sao để lấy da thật mỏng, vì càng mỏng thì càng giảm được nguy cơ để lại sẹo.
Bác sĩ nhận định để cho da là một sự hi sinh rất lớn, vì còn ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ. Các bác sĩ cũng ưu tiên lấy da đàn ông, vì đàn ông cần nắm giữ trọng trách hi sinh hơn phụ nữ.
Vì nhiều lý do mà đến giờ này, nguồn da ghép vẫn chủ yếu được vận động từ người nhà.
"Ở Việt Nam gần đây vấn đề hiến tạng bắt đầu phát triển. Tuy nhiên khi được đề cập về vấn đề cho da, họ đều từ chối. Tại BV gần như chưa có ca nào người ngoài cho da mà đa số là cha mẹ cho con, anh em cho nhau. Một vài trường hợp là cậu, chú cho cháu" - bác sĩ nói.