Lãnh đạo thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 9/4 thừa nhận còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc cung cấp thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện phong tỏa vì Covid-19. Trong khi đó, Quảng Châu – một siêu đô thị khác của Trung Quốc bắt đầu bùng phát dịch.
Số liệu công bố ngày 9/4 cho thấy, Thượng Hải, tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc hiện nay, tiếp tục báo cáo số ca dương tính mới tăng ngày thứ 8 liên tiếp với hơn 23.600 trường hợp trong tổng số hơn 25.000 ca bệnh bản địa trên cả nước. Đến nay, thành phố này đã phải sử dụng tới hơn 100 bệnh viện dã chiến với hơn 160.000 giường.
Trước tình hình dịch chưa có dấu hiệu cải thiện, Thượng Hải vẫn chưa thay đổi chiến lược chống dịch. Chính quyền thành phố cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đợt xét nghiệm đại trà mới và chỉ nới lỏng một số hạn chế đi lại trong khuôn viên các khu dân cư không có F0.
Phó Thị trưởng Thượng Hải Tông Minh nhận định hiện nay là “thời điểm then chốt nhất” trong kiểm soát dịch bệnh, nên không thể buông lỏng công tác chống dịch. Phó thị trưởng ca ngợi sự ủng hộ của công chúng và những đóng góp của nhân viên y tế tuyến đầu, đồng thời thừa nhận thiếu sót của chính quyền: “Chúng tôi cảm thông trước những vấn đề mà mọi người phản ánh và lên tiếng. Rất nhiều công việc của chúng tôi vẫn chưa đủ tốt và còn khoảng cách rất xa so với kỳ vọng của mọi người. Chúng tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức để cải thiện.”
Do thời gian phong tỏa ở Thượng Hải kéo dài hơn dự kiến, có nơi đã hơn 1 tháng, khiến nhiều cư dân phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực do thiếu nhân viên giao hàng và không rõ khi nào kết thúc lệnh phong tỏa.
Ông Cố Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Thương mại thành phố thừa nhận, do nhu cầu của người dân đã từ chuyển từ thực phẩm sang đồ dùng thiết yếu hàng ngày, đặc biệt là nhu cầu cấp thiết của người già và trẻ nhỏ. Do vậy, áp lực đưa hàng hóa đến tay cư dân là khá lớn, mâu thuẫn đảm bảo nguồn cung “tương đối nổi cộm.”
Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Trung Quốc, trong phát biểu mới nhất cũng cho rằng, Thượng Hải lần này chưa chuẩn bị đầy đủ và “chưa hiểu rõ về đặc điểm lây truyền của Omicron”, mà đáng lẽ ra phải ngăn chặn ngay trong giai đoạn đầu bùng phát. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, sống chung với virus không phải là một lựa chọn cho Trung Quốc và nước này “sẽ mở cửa từng bước” trong khi vẫn thực hiện chính sách “zero Covid-19 năng động”.
Trong một diễn biến khác, ngày 9/4, siêu đô thị Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc đã yêu cầu xét nghiệm toàn bộ 18 triệu dân sau khi ghi nhận các ca bệnh một ngày trước đó. Rút kinh nghiệm từ Thượng Hải, tất cả 11 quận ở Quảng Châu đã ban hành thông báo xét nghiệm axit nucleic đối với tất cả người dân vào thứ Sáu và thứ Bảy khi số ca bệnh đang còn ít.
Ông Trương Châu Bân, Bí thư Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Châu, cho biết sự lây truyền trong cộng đồng có thể đã xảy ra ở các khu vực bị phong tỏa trong thành phố và có thể đã lan sang các khu vực khác. Thành phố này đang phải đối mặt với tình trạng còn nghiêm trọng hơn đợt dịch hồi tháng 5/2021 do biến thể Delta gây ra.
Bắc Kinh cũng áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron tới thủ đô. Quy định kiểm dịch đối với các khu dân cư ở Bắc Kinh được siết chặt hơn, nhiều đối tượng trong đó có học sinh và những người ở viện dưỡng lão sẽ phải xét nghiệm thường xuyên.