Đó là trường hợp của H.N.H.D. (6 tuổi. ngụ Long An), cậu bé đã trải qua 6 tháng trời ròng rã tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho bàn tay phải tưởng chừng phải đoạn bỏ.
Những ngày đầu đau đớn với bàn tay được băng bó trắng toát, cử động thô ráp sau ca mổ "dài hơi cân não" vì tai nạn, D. chỉ biết khóc thét mỗi lần các cô điều dưỡng thay băng rửa vết thương.
Còn những lúc tập vận động về sau, em vẫn chỉ cố cắn răng ghì chặt vào lòng mẹ, kiên cường và hợp tác tốt co duỗi từng ngón tay một theo lời các cô bác.
Mẹ bé D. kể, sự việc kinh hoàng diễn ra với con trai cách đây hơn 6 tháng. Trong lúc đang tắm, bé bị trượt chân té vào viên gạch men bị vỡ. Viên gạch ghim thẳng mặt sắc nhọn vào cổ tay phải của bé.
Vội băng bó cầm máu rồi nhanh chóng đưa em đi cấp cứu, cha mẹ bé bàng hoàng khi vết thương ăn sâu gần đứt lìa cổ tay, máu chảy loang ướt thẫm băng. Kết quả chụp phim ban đầu chẩn đoán bé bị đứt gân, vết thương sâu và giập nát mô mềm, lóc da cổ tay phải.
Để cứu lấy đôi bàn tay cho bé, các phẫu thuật viên đã gồng mình trong ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài suốt hơn 5 tiếng đồng hồ.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện bé bị đứt 7 cọng gân, đứt dây thần kinh trụ và cả động mạch trụ nên máu rất khó cầm.
Các bác sĩ tỉ mẩn cắt lọc rửa vết thương rồi lần lượt nối vi phẫu dưới kính hiển vi các động mạch, dây thần kinh và các gân gấp.
Sau ca phẫu thuật, vết thương lành tốt. Đến nay qua hơn 6 tháng tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi các chức năng vận động co duỗi cầm nắm của tay gặp nạn đã phục hồi khoảng 80%, một kết quả khả quan và mĩ mãn hơn cả mong đợi.
Theo các bác sĩ, thử thách mà họ phải đối mặt đó là mạch máu của bé rất nhỏ gây khó khăn cho việc khâu nối. Ekip phải thật tỉ mỉ thông tắc các mạch máu đường gân mảnh như sợi chỉ để ít để lại biến chứng vận động về sau nhất cho bé.
Với sự nỗ lực của mình, ekip điều trị đã cùng nhau đưa ước mơ cầm bút viết chữ của cậu bé vừa bước vào lớp 1 dần trở thành hiện thực.