Đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều địa phương gửi báo cáo tình hình thưởng Tết về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Tuy nhiên, từ khảo sát của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương thuộc Bộ LĐ-TB-XH, có thể đưa ra những nhận định ban đầu về tình hình thưởng Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2019.
Thưởng thấp nhất: 50.000 đồng
Theo ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, khảo sát tập trung chủ yếu ở 4 nhóm doanh nghiệp (DN) gồm: Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); DN dân doanh.
Tình hình thưởng Tết năm 2019 ở khối doanh nghiệp dệt may được đánh giá lạc quan Ảnh: TẤN THẠNH
Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên công bố về tình hình lương, thưởng Tết năm 2019. 327/352 DN ở địa phương này báo cáo có kế hoạch thưởng Tết dương lịch với mức bình quân 1,2 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 262 triệu đồng, thuộc về một DN FDI.
Về kế hoạch thưởng Tết Kỷ Hợi 2019, có 300/352 DN báo cáo với mức thưởng bình quân khoảng 6 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 350 triệu đồng, thuộc về một DN FDI; thấp nhất chỉ 50.000 đồng.
Chiều 28-12, trên cơ sở báo cáo của 5.025 DN, Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội đã tổng hợp về tình hình tiền lương năm 2018 và kế hoạch thưởng Tết dương lịch, Tết nguyên đán năm 2019 gửi về Bộ LĐ-TB-XH. Theo đó, mức thưởng Tết được dự kiến bình quân tăng cao hơn so với năm trước từ 4% - 6%.
Cụ thể, đối với công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng Tết dương lịch bình quân 1 triệu đồng/người, trong đó mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người. Đối với thưởng Tết nguyên đán, mức thưởng bình quân 3,8 triệu đồng/người, thưởng cao nhất 40 triệu đồng, thấp nhất 800.000 đồng/người.
Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước, thưởng Tết nguyên đán bình quân 4 triệu đồng/người, tăng 3,8% so với năm trước. DN có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng và thấp nhất 650.000 đồng/người. Ở khối DN dân doanh, mức thưởng Tết nguyên đán bình quân 4,2 triệu đồng/người, tăng 6,3%. DN có mức thưởng cao nhất 72 triệu đồng và thưởng thấp nhất 660.000 đồng/người.
Khối DN FDI, thưởng Tết nguyên đán bình quân 4,8 triệu đồng/người, tăng 4,4%; trong đó mức thưởng cao nhất 396 triệu đồng/người, thấp nhất 750.000 đồng/người.
Nhỉnh hơn năm ngoái
Nhận định về tình hình thưởng Tết, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng trong tình hình kinh tế hiện nay, mức thưởng Tết 2019 của DN sẽ không có nhiều đột biến so với năm ngoái, ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút. "Nhóm DN FDI thường có mức thưởng cao nhất trong số 4 nhóm DN được khảo sát" - ông Huân nhận định.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, do thưởng cuối năm chưa được luật hóa nên dựa trên thỏa ước lao động tập thể và tùy thuộc vào tình hình sản xuất - kinh doanh, có thể nhiều DN chi thưởng Tết cao hơn rất nhiều lần nhưng không báo về cơ quan chức năng.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng kết quả hoạt động trong năm 2018 khá tốt đối với ngành dệt may Việt Nam và với tín hiệu lạc quan về tình hình đơn hàng trong năm tới, mức lương, thưởng trung bình của khoảng 600.000 lao động tại các DN thành viên của hiệp hội dự báo có tín hiệu tốt. "Tính trung bình, DN thưởng ít nhất có thể 1 tháng lương. Nếu DN nào có kết quả tốt có thể tới 2 tháng lương" - ông Cẩm dự đoán.
Bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, cho rằng mức thưởng Tết phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của các DN. Trong năm qua, tình hình kinh doanh của các DN tương đối ổn định và có nhiều khởi sắc hơn. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ…, các ngành liên quan đến xuất khẩu đều khả quan hơn năm trước. Thêm vào đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng hơn… Do đó, khả năng tiền thưởng Tết của DN cho người lao động cũng có xu hướng tốt lên.
Không để xảy ra nợ lương, thưởng Tết
Liên quan đến tình hình lương, thưởng, sáng 28-12, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn yêu cầu các cấp Công đoàn tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động tại các DN, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các DN, nhất là các DN trong KCN. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Khánh Hòa: Thưởng Tết chênh 1.200 lần
Báo cáo cập nhật về tình hình thưởng Tết năm 2019 tính đến ngày 28-12 của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa cho thấy mức thưởng Tết năm 2019 cao nhất trên địa bàn tỉnh là 120 triệu đồng/người và thấp nhất là 100.000 đồng/người, chênh nhau 1.200 lần.
Theo đó, đối với thưởng Tết nguyên đán, ở khối công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất là 51 triệu đồng/người, thấp nhất 1 triệu đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước thưởng cao nhất 48,6 triệu đồng/người, thấp nhất 1 triệu đồng/người; DN FDI thưởng cao nhất 80 triệu đồng, thấp nhất 100.000 đồng/người; DN dân doanh có mức thưởng cao nhất 120 triệu đồng/người, thấp nhất 200.000 đồng/người.
Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây chỉ là báo cáo ban đầu, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, LĐLĐ tỉnh và các cơ quan liên quan, làm việc với các DN để nắm tình hình thực hiện kế hoạch thưởng Tết năm 2019. Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, thông tin thêm: "Chúng tôi đang nỗ lực yêu cầu tổ chức Công đoàn vận động chủ DN chăm lo thưởng Tết cho người lao động, tránh tình trạng cận Tết mà công nhân, người lao động không được trả lương, thưởng...".