Mới đây, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Tùng Vân về các tội gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và Loạn luân.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho hay: ông Lê Tùng Vân trước đây đã từng bị Giáo hội Phật Giáo ý kiến đến địa phương về những dấu hiệu vi phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi từ thiện qua việc nuôi trẻ mồ côi.
Theo Thượng Tọa Thích Nhật Từ, được biết ông Vân không theo bất cứ tôn giáo nào nhưng đã lợi dụng sắc phục tu sĩ, lợi dụng tư gia của mình với cái tên gọi Tịnh Thất bồng lai, cả hai vấn đề này đều đã vi phạm nghiêm trọng vì đã nhân danh chức sắc giáo hội, nhân danh nhà chùa để trục lợi từ thiện.
"Thậm chí có chương trình nói về những việc nhân đạo của cơ sở, mang hình ảnh nhân đạo nhà chùa để kêu gọi từ thiện nhưng nhiều người không biết rằng cơ sở này bất hợp pháp, như vậy có khác gì hành vi lừa đảo. Nhiều người ngộ nhận rằng đây là một nhóm Phật tử, chư tăng ni, đây là những ngộ nhận rất đáng tiếc".
Phó Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nhấn mạnh, ông Vân lấy tên là "Tịnh thất" là một trong những tên nằm trong khái niệm tương đương với Thiền Viện, chùa mà Giáo hội công nhận.
"Tịnh thất là một am thất nhỏ trong tịnh xá dành cho các cá nhân, chính là các tu sĩ Phật giáo tương đương như một Thiền Viện, tuy nhiên trong một khuôn khổ hẹp cả về việc sinh hoạt tôn giáo".
Thượng tọa Từ khẳng định, ông Vân chưa một ngày nào tu hành, khi cơ quan Nhà nước kiểm tra hành chính, họ nói chúng tôi là người dân. Khi lên mạng và truyền thông, họ lại nói rằng đây là chùa. Như vậy là giả mạo Phật giáo.
Ông Lê Tùng Vân và các con cháu của ông tại đây chưa được thọ giới, nhưng lại tự nhận đây là chùa, đây là thầy và các sư cô. Đó là hành vi lừa đảo.
Việc mạo danh Phật pháp để trục lợi là không thể chấp nhận, ông Vân đã vi phạm pháp luật và xúc phạm đến giáo lý nhà Phật.
"Là người chưa từng tu hành nhưng ông này còn mạo danh làm lễ xuất gia mấy người. Như vậy ông Vân này còn giả mạo lễ phục để hành lễ, hành vi của ông Vân không thể chấp nhận được", Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.
Theo điều tra, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mua gần 2.000m2 đất tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau đó, bà Cúc xây sửa lại khu đất này để làm khu tu tại gia.
Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Sau đó, ông Vân nhận con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự lập thành "Tịnh thất Bồng Lai", sau này đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ".
Từ năm 2015 đến nay, tại Tịnh thất Bồng Lai có 18 người cư trú. Trong đó gồm 6 trẻ em và đều có mẹ ruột nuôi dưỡng, không phải trẻ mồ côi. Qua giám định, đa số trẻ em sinh sống tại đây đều có huyết thống với ông Lê Tùng Vân.
Tuy vậy, "Tịnh thất Bồng Lai" do ông Vân đứng đầu vẫn lợi dụng danh nghĩa nuôi dưỡng trẻ mồ côi để kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Ông Vân được gọi là "sư ông nội", trong khi ông này chưa từng xuất gia. Tịnh thất Bồng Lai cũng không có trong danh sách các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của tỉnh Long An.