Trong cuộc sống, có lẽ không ít người rơi vào trường hợp bị tê mỏi tay khi ngủ. Lúc này, họ cho rằng vì mình nằm sấp hoặc đè lên tay, khiến quá trình tuần hoàn máu ở tay bị cản trở mới gây ra hiện tượng như vậy. Nếu tình trạng tê tay có thể hết sau khi điều chỉnh lại đúng tư thế ngủ sẽ không có vấn đề gì. Ngược lại, nếu thường xuyên bị tê tay không rõ nguyên nhân, có thể bạn đã mắc những căn bệnh sau:
1. Viêm dây thần kinh ngoại biên
Triệu chứng tê mỏi tay thường xuyên là dấu hiệu điển hình của viêm dây thần kinh ngoại biên. Nó liên quan tới chức năng hoặc cấu trúc của hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn thương, thường xảy ra ở phụ nữ trên 40 tuổi.
Ban đầu, bạn chỉ cảm thấy tê vùng cánh tay nhưng sau đó tình trạng lan dần trên khu vực rộng, kèm theo triệu chứng bỏng rát hoặc đau nhức. Bạn cũng cảm thấy các cử động tay chân của mình không phối hợp theo ý muốn, hàng loạt các triệu chứng khó chịu khác bắt đầu xuất hiện thêm như teo cơ, yếu cơ, mất cảm giác ở tay chân.
2. Bệnh tiểu đường
Đối với bệnh nhân bị tiểu đường, họ sẽ thường bị tê tay trong khi ngủ. Tiểu đường là căn bệnh liên quan tới quá trình chuyển hóa, khi lượng đường huyết trong máu tăng lên mãn tính.
Khi bị tiểu đường, các dây thần kinh, mạch máu và một số cơ quan bị ảnh hưởng, khả năng mắc bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên tăng cao, dẫn tới tình trạng tê tay chân.
Bên cạnh đó, tứ chi của người bệnh sẽ có cảm giác râm ran, ngứa ngáy như kiến bò mỗi khi đi bộ. Khi ngủ, người bị tiểu đường cũng có thể bị ngứa da, đổ mồ hôi một số bộ phận trên cơ thể, đi tiểu nhiều lần.
3. Xơ cứng mạch máu não
Đối với những người bị tăng huyết áp hoặc tăng mỡ máu trong thời gian dài, khả năng mắc bệnh xơ cứng mạch máu não tăng cao. Đây là căn bệnh liên quan tới sự suy giảm tính đàn hồi của mạch máu trong não, dẫn đến thu hẹp mạch máu, ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu trong não.
Sau khi mắc bệnh, lượng máu lưu thông lên não suy giảm, máu cung cấp cho não không đủ, khi bị thiếu máu cục bộ sẽ gây rối loạn chức năng tay chân, khiến tình trạng tê bì bất thường đột ngột xuất hiện.
Đặc biệt, đối với người bệnh có nguy cơ bị xơ cứng mạch máu não, mỗi khi ngủ dậy họ sẽ thấy hiện tượng tê tay rất rõ rệt. Kèm theo đó họ cũng thấy tay chân mình thường xuyên lạnh, chóng mặt, nhức đầu, suy nhược cơ thể, thiếu sinh lực và một số triệu chứng khác.
4. Đột quỵ não
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là một bệnh lý về não cấp tính rất phổ biến. Trước khi đột quỵ xảy ra, mạch máu não của người bệnh bị tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc bị vỡ dẫn tới việc cung cấp máu lên não bị gián đoạn. Điều này sẽ dẫn tới một loạt các triệu chứng bất thường như tê tay hoặc tê một chi.
Khi bệnh không được phát hiện sớm, tình trạng thiếu máu cục bộ, xuất huyết não sẽ trầm trọng hơn, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng rất rõ ràng như buồn nôn, nôn, liệt miệng 1 bên, mờ mắt…
5. Thoái hóa đốt sống cổ
Khi ngồi quá lâu, cúi thấp đầu, kê gối quá cao hoặc quá thấp cũng đều có thể gây thoái hóa đốt sống cổ. Trên thực tế cho thấy, tỷ lệ tê tay do chèn ép dây thần kinh cột sống cổ cao tới 70%. Căn bệnh này có dấu hiệu điển hình nhất là tê tay, kèm theo đó có một số triệu chứng khác như tăng sản khớp, vôi hóa dây chằng, cổ và vai đau nhức, nôn mửa, chóng mặt, ù tai.
Nếu nhận thấy việc tê tay thuộc những trường hợp sau, bạn nên nghi ngờ mình đang mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
- Tê ngón tay cái và ngón trỏ, điều này cho thấy đĩa đệm thứ 5 và thứ 6 đang chèn ép lên dây thần kinh cổ.
- Ngón tay giữa bị tê có thể là do đĩa đệm thứ 6 và thứ 7 chèn ép lên dây thần kinh cổ.
- Thường xuyên cảm thấy mỏi cổ như có vật nặng đè lên, khi ngủ dậy tay tê cứng, đau cổ.
Nguồn: Aboluowang, Xinhuanet