“Giải oan” cho thẻ tín dụng
Sau vụ khách hàng ở Quảng Ninh dùng thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng bị đòi 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, nhiều người bày tỏ e ngại khi dùng phương thức thanh toán này. Trên mạng xã hội, có một bộ phận cư dân mạng còn đòi trả lại thẻ tín dụng không dùng đến.
Tuy nhiên, dùng thẻ tín dụng để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày đã trở thành thói quen của một nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Nếu chi tiêu cẩn thận và hiểu rõ về thẻ tín dụng, đây vẫn là một hình thức thanh toán tiện lợi, nhanh gọn và mang đến nhiều ưu đãi.
Quỳnh Anh (một nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho biết đến nay đã sử dụng thẻ tín dụng được 5 năm. Với cá nhân cô nàng, dùng thẻ tín dụng khi đã nắm được nhất định thông tin về chúng thì sẽ nhận về sự tiện lợi và tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu cho cuộc sống.
“Thẻ tín dụng là phương thức ‘thanh toán trước, trả nợ sau’ nên giống con dao hai lưỡi. Mình nghĩ chúng rất hữu dụng nếu ai kiểm soát được nguồn chi tiêu, biết được mục đích mở thẻ tín dụng.
Thẻ tín dụng cũng giống như khoản đầu tư thôi. Nếu bạn biết đầu tư đúng cách thì sẽ sinh lời, thậm chí kiếm được gấp 2- 3 so với tiền lương văn phòng. Nhưng nếu không biết quản lý tài chính thì khả năng vỡ nợ cũng rất cao”, Quỳnh Anh bày tỏ.
Ảnh minh hoạ
Còn với Đức Trường (27 tuổi, Hà Nội) thẻ tín dụng là một “món quà” vì giúp anh chàng trong nhiều hoàn cảnh thiếu tiền. Song, chúng cũng có thể là gánh nặng với những người chi tiêu thiếu kiểm soát. “Mình nghĩ với người chưa có kiến thức về thẻ tín dụng và quản lý tài chính thì khuyên chân thành không nên mở. Bởi bạn dễ rơi vào bẫy chi tiêu và mang nợ”.
Bí quyết dùng thẻ tín dụng để không nợ nần mà còn sinh lời
Sau những trải nghiệm cá nhân, cả Đức Trường và Quỳnh Anh đều cho rằng mọi người nên tránh thói quen chi tiêu thiếu suy nghĩ khi dùng thẻ tín dụng.
Thông thường, nhiều người rơi vào cảnh “vỡ nợ” khi dùng thẻ tín dụng bởi tâm lý ỷ lại vào hạn mức và thanh toán số tối thiểu nên thường chi nhiều hơn thu nhập hàng tháng kiếm được. Bên cạnh đó, đừng quên ngày thanh toán thẻ tín dụng, bởi khoản tiền phạt nếu thanh toán chậm tăng dần theo cấp số nhân đi kèm với lãi suất cao.
Quỳnh Anh đang dùng 1 thẻ tín dụng và 2 tài khoản ngân hàng. Trước đó, cô nàng thường dùng 2-3 thẻ tín dụng nhưng đã đóng bớt để tránh chi tiêu hoang phí vì tâm lý “cứ mua đi, thiếu tiền thì quẹt thẻ tín dụng”.
Hiện với 1 thẻ tín dụng, Quỳnh Anh chỉ thấy có lãi vì cô nàng được hưởng hoàn tiền khi mua sắm online, cũng như trả góp 3-6 tháng khi mua đồ điện tử và đi kèm phí chuyển đổi chỉ là vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Thêm nữa, một điều cô thích khi dùng thẻ tín dụng là không cần mang theo tiền mặt bên mình, cũng không mất công quét mã QR trong thanh toán.
Ảnh minh hoạ
Để tránh rơi vào trường hợp bội chi, Quỳnh Anh đã có những nguyên tắc riêng khi dùng thẻ tín dụng. “Khi đạt được cột mốc ‘quẹt’ thẻ tín dụng hàng tháng (6 triệu đồng), mình sẽ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang một tài khoản khác chỉ dùng để trả nợ thẻ tín dụng. Như vậy, mình vẫn luôn đủ tiền để trả nợ cho ngân hàng, cứ đến hạn trả lãi thẻ thì trả trước 1-2 hôm là xong.”, cô nàng nói.
Còn về phía Đức Trường, với trải nghiệm lâu năm dùng thẻ tín dụng, chàng trai tổng kết lại những lợi ích của hình thức thanh toán này như sau:
- Tiết kiệm tiền
Đức Trường đang dùng 2 thẻ tín dụng, chi tiêu cho hầu hết các khoản mua sắm hàng ngày như thực phẩm, xem phim, đi du lịch… Tương tự Quỳnh Anh, chàng trai cũng nhận được ưu đãi hoàn tiền và giảm giá khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử hay đi siêu thị. Đức Trường nhận định, khi mở thẻ tín dụng mà biết rõ nhu cầu hoặc thói quen mua sắm cá nhân thì càng tiết kiệm hơn.
“Bởi mỗi thẻ tín dụng từ các ngân hàng lại có những chương trình ưu đãi thu hút khách hàng riêng. Ví dụ nếu bạn thường xuyên mua sắm online thì nên mở thẻ có tính năng hoàn tiền khi mua hàng trực tuyến. Nếu bạn hay trả góp mua đồ thì chọn thẻ tín dụng có phí trả góp thấp và hạn mức cao”.
- Quản lý dòng tiền linh hoạt hơn
Với thẻ tín dụng, bạn có thể mượn tạm tiền từ ngân hàng để có thêm một dòng tiền cho mục đích tài chính, miễn sao trước kỳ hạn sao kê, bạn cần trả lại đầy đủ để tránh phí phạt từ ngân hàng.
“Chẳng hạn, mình có đợt đi phải khám bệnh nhưng chưa muốn động đến tiền lương. Mình sẽ dùng thẻ tín dụng để trả tiền bệnh viện, còn tiền lương để xoay vòng cho các mục đích khác. Hay có đợt săn vé concert BlackPink ở Hà Nội gần đây, mình dùng thẻ tín dụng để săn 5 vé, sau đó bán lại 3 vé với mức giá cao hơn. Như thế, mình chẳng những không mất tiền mà còn gia tăng thu nhập từ thẻ tín dụng. Bởi thực tế, nếu chỉ dựa vào tiền lương thì mình sẽ không đủ để mua nhiều vé concert đến thế”.
Ảnh minh hoạ
Đức Trường cho biết, trong nhiều trường hợp, dù có thừa tiền mặt nhưng anh chàng vẫn quẹt thẻ tín dụng cho đến gần hết hạn mức. Bởi lẽ ngoài mục đích tạo đòn bẩy tài chính thì chàng trai còn muốn gia tăng điểm tín dụng, để thuận tiện vay vốn sau này.
- Quản lý tài chính tốt nhờ sao kê của thẻ tín dụng
“Hàng tháng, ngân hàng gửi sao kê cho mình qua email, tin nhắn và ứng dụng. Mình chỉ cần kiểm tra rồi thanh toán lại. Mình luôn tuân theo quy tắc: Nợ tháng nào thì trả hết tháng đó. Nhờ sao kê của thẻ tín dụng thì mình cũng biết rõ trong tháng đó bản thân tiêu tiền cho khoản tiền nào, khá thuận tiện với người lười ghi chép các khoản chi như mình”, Đức Trường chia sẻ.
Sau cùng, chàng trai cho rằng hãy coi thẻ tín dụng giống như một công cụ. Do đó, nếu bạn rơi vào vòng xoáy nợ nần thì trước hết cần xem lại cách bạn quản lý tài chính cá nhân, thay vì chỉ đổ tội cho cái thẻ.