"Người ta cứ tưởng tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, được bố mẹ chăm chút từ tấm bé. Nhưng ít ai hiểu được, đã có những lúc tôi trốn sau góc nhà, giấu nhẹm gương mặt lấm lem nước mắt vì những vết hằn tuổi thơ đau đớn. Gia đình tan vỡ, bố mẹ ly dị từ lúc tôi mới 5 tuổi" - Thúy Ngân bật khóc nức nở khi lần đầu trải lòng tại 1 tiếng kể hết.
Nhìn vào Thúy Ngân, lúc nào khán giả cũng có ấn tượng rằng cô là "thiên kim tiểu thư" sang chảnh, đanh đá. Sức hút từ vai Hân Hoa hậu trong Gạo nếp gạo tẻ biến Thúy Ngân thành nhân vật phản diện, lúc nào cũng khiến người ta có cảm giác chán ghét, tức giận. Song ngoài đời thực, Thúy Ngân hành xử, nói chuyện nhẹ nhàng hơn. Cô diễn viên sinh năm 1991 chia sẻ rằng những sóng gió cuộc đời đã đi qua khiến cô mạnh mẽ hơn. Cuộc sống không cho Thúy Ngân một mái ấm gia đình trọn vẹn thì cô tự nhủ phải bằng sức lực của mình, kéo khoảng cách giữa ba với mẹ lại gần hơn. Và cứ thế, 22 năm đằng đẵng đã trôi qua, Thúy Ngân bất chấp việc cả người in hằn những vết sẹo, cô cứ nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, ghép chúng lại thành một bức tranh. Dẫu bức tranh này chẳng còn hoàn chỉnh như ngày đầu nữa.
Ba Thúy Ngân làm về luật, mẹ chỉ là người phụ nữ nội trợ bình thường. 22 năm trước, khi cô gái nhỏ vẫn cứ nghĩ mình là nàng công chúa hạnh phúc nhất thế gian, ba mẹ Thúy Ngân bất ngờ ly dị, giữa họ có những khoảng cách không thể lấp đầy. Vì còn quá bé, Thúy Ngân thời điểm ấy chỉ biết một điều rằng từ đây mẹ sẽ không còn sống chung nhà với ba nữa.
"Theo lẽ thường, con gái sẽ đi theo mẹ, nhưng tôi thì sống cùng ba. Ba tôi có điều kiện kinh tế hơn mẹ, sống với ông thì tôi mới được cho đi học đủ đầy. Bây giờ theo mẹ, chẳng những tôi khiến mẹ khổ thêm mà còn chọc cho ba tức giận. Những ngày sống cùng ba, sự thiếu vắng, trống trải là không thể tránh khỏi".
"Nhà chỉ có hai ba con, hằng ngày ba đi làm, tôi một mình đến trường. Cuộc sống cứ côi cút, lủi thủi mãi cho đến nhiều năm sau. Không có ai làm việc nhà, tự mình tôi làm cả. Tôi có thể giặt giũ, lau dọn nhưng không biết nấu ăn. Thế là hai ba con ăn cơm tiệm suốt. Sáng gọi cơm tiệm, trưa gọi cơm tiệm, tối cũng ăn cơm tiệm. Tôi mua thiếu cô bán cơm. Đến cuối tháng thì ba trả tiền một lần. Căn nhà hiu quạnh, không có bóng dáng phụ nữ là nỗi ám ảnh dày vò tôi suốt những ngày tháng bé thơ".
Rồi Thúy Ngân khóc. Nước mắt lăn dài trên má cô gái trẻ kèm theo tiếng nấc nghẹn ngào. Nhớ lại khoảng thời gian còn sống cùng ba, Thúy Ngân không thể kìm được cảm xúc. Lần đầu tiên, Thúy Ngân trút hết nỗi lòng, cô kể về ba mẹ trong sự xót xa, bất lực, xen lẫn tủi hờn mà một đứa trẻ từng suýt bị trầm cảm phải gánh chịu.
"Tôi không chơi với ai cả. Đi học về thì lao vào phòng. Tôi mân mê những món đồ hàng, thậm chí còn nói chuyện trước gương. Tôi giống như một đứa trẻ tự kỷ. Có những lúc quá nhớ mẹ, tôi chạy ra phía sau hiên nhà và khóc. Lúc ấy quá tủi thân, tôi chỉ biết hát: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Tôi không dám trách hờn ai, vì ba hay mẹ đều có lựa chọn riêng của mình".
Có những ngày mưa, ba Thúy Ngân sốt cao nằm li bì, cô gái nhỏ chẳng biết làm cách nào chữa cho ba mau khỏi. Thúy Ngân luôn cảm thấy có lỗi, vì cô cho rằng chính vì mình mà ba thêm gánh nặng. Có những buổi chiều, Thúy Ngân lén nhìn ra hiên thấy ba hút thuốc và khóc. Ông luôn thầm trách bản thân vì đã không cố gắng níu kéo hạnh phúc gia đình. Ba Thúy Ngân chỉ ước ao làm sao cho con gái thoát khỏi sự cô độc, được sống như bao đứa trẻ khác.
"Tôi là người rất cứng đầu, tôi không dễ chấp nhận bất cứ ai thay thế ba mẹ mình. Nhưng nhìn cảnh ba khóc, nhìn nước mắt rơi trên gương mặt ba, tôi cảm thấy bất lực. Tôi đau đớn vì ba phải sống cảnh gà trống nuôi con. Chỉ vì tôi mà ba bó hẹp quãng đời còn lại của mình. Thế nên khi biết ba có người phụ nữ mới, tôi đã bật đèn xanh, gật đầu chấp nhận chuyện ba rước dì về nhà".
"Tôi chưa từng oán hận mẹ, nhưng tôi có sự ích kỷ của riêng mình. Tôi không chấp nhận chuyện mẹ có người đàn ông nào ngoài ba. Suốt mười mấy năm dài, tôi cấm mẹ lấy chồng mới. Tôi không muốn chia sẻ mẹ. Sự thiếu thốn tình cảm, chẳng được sống chung với mẹ khiến tôi giữ ý nghĩ rằng mẹ phải bù đắp cho mình. Và chuyện bắt mẹ ở vậy đến già là điều mà tôi nghĩ đó là trách nhiệm mẹ phải làm với tôi. Nhưng đấy là quan niệm sai lầm. Tôi không có quyền ngăn cấm ba mẹ tìm hạnh phúc mới. Tôi thoải mái để ba đi bước nữa, mà lại không cho mẹ tìm người dựa vào, đấy là không đúng".
Thúy Ngân đã hối hận vì sự bướng bỉnh của chính mình. Đến khi nhận ra mọi chuyện, Thúy Ngân nén lòng, buông tay để mẹ tìm kiếm hạnh phúc cho nửa sau cuộc đời. Đến thời điểm hiện tại, khi cả ba lẫn mẹ đều đã có gia đình mới, Thúy Ngân mới có thể tạm quên đi những nỗi đau trong quá khứ.
"Tôi từng đặt ra cột mốc rằng đến năm 30 tuổi sẽ lấy chồng. Đến lúc đó, tôi chỉ mong ba sẽ dắt dì theo, còn mẹ sẽ đưa dượng đến. Tôi muốn cả hai gia đình cùng dự đám cưới của mình. Chỉ những đứa trẻ lớn lên trong cảnh gia đình tan vỡ mới hiểu được có ba mẹ bên cạnh quý giá đến mức nào".
"Có một thời gian, ba đuổi tôi ra khỏi nhà, đấy là lúc tôi thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh và nhất mực sống chết với đam mê. 18 tuổi, tôi đoạt giải Á khôi tại cuộc thi Hoa khôi Trang sức. Đến năm 19 tuổi, tôi lại tham gia Hoa hậu Việt Nam. Có chút danh hiệu, tôi bước dần vào showbiz. Ba tôi biết ý định này thì ngăn cản quyết liệt. Vì khi thi Đại học, tôi đậu cả 3 trường nên ba bắt phải bỏ Sân khấu - Điện ảnh để theo học trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học. Tôi cãi lời ba, âm thầm theo học. Vì sợ tôi hư người, sa chân vào cám dỗ nên ba cắt luôn tiền chu cấp, không cho tôi một đồng nào cả. Lúc đó tôi cầu cứu mẹ. Nhưng vì kinh tế không dư dả, lại còn phải lo cho gia đình mới, nên mẹ không lo cho tôi được nhiều".
Ngăn cản con gái quyết liệt là thế song ba của Thúy Ngân vẫn luôn mong ngóng, dõi theo từng bước chân của tôi. Đến ngày Thúy Ngân đóng chính trong bộ phim truyền hình đầu tiên, cô tự hào về khoe với ba. Lúc này, chính ông lại góp ý cho con gái diễn tốt hơn: "Ba chê tôi đóng dở. Cảm xúc trên gương mặt chưa đạt. Dẫu bị ba chê nhưng tôi vui lắm, vì xem như đấy là sự công nhận. Ba không cản tôi theo đuổi nghiệp diễn nữa. Ba chỉ dặn dò phải giữ mình, là con gái sống trong showbiz, nhất định không được để bất cứ gã đàn ông nào ra giá".
Đến thời điểm hiện tại, Thúy Ngân đã hoạt động nghệ thuật được 8 năm. Cô thừa nhận, mỗi tháng chỉ đưa ba mẹ một số tiền nhất định, không phải lúc nào Thúy Ngân cũng tiêu xài phung phí vì cô sợ, lỡ chẳng may có chuyện gì xảy ra với ba mẹ, sẽ không đủ khả năng lo lắng.
Và cái ngày "lỡ như có chuyện gì" ấy thực sự ập đến với Thúy Ngân. Một hôm nọ, Thúy Ngân nhận tin ba nhập viện vì suy thận. Nhiều năm làm việc vất vả, đến nửa sau cuộc đời, sức khỏe của ba Thúy Ngân rơi vào tình trạng báo động. Vào lúc ba phải chạy thận, Thúy Ngân lại không đủ tiền, thế là cô đi vay mượn của bạn bè. Từ sau cái lần đó, Thúy Ngân bớt tiêu xài, chăm chỉ làm việc để kiếm tiền hơn.
"Tôi muốn ba đi khám bệnh lại, để bác sĩ kiểm tra xem tình hình bệnh tật thế nào. Nhưng ba không chịu, ông chỉ uống thuốc nam ở nhà. Tôi biết ba chịu đau đớn nhiều lắm. Ba sợ khi đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra lại phát hiện ra bệnh mới, rồi tôi lại tốn tiền cho ba chữa bệnh. Ba bắt tôi phải dồn tiền mua nhà, đến khi nào mua nhà xong, ba mới chịu đi khám bệnh. Cả cuộc đời này, ba cứ hi sinh vì tôi. Khi bé, ba cố gắng làm việc để bù đắp sự thiếu thốn tình thương cho tôi bằng vật chất. Lúc lớn rồi, ba lại sợ tôi tốn tiền vì bệnh tình của ba. Có bao nhiêu tiền, ba cũng dồn cho tôi. Một đứa con gái như tôi, biết làm thế nào mới báo hiếu được cho ba đây".
"Người ta bảo tôi hãy yêu đại gia đi, để họ cho tiền, đỡ đần gia đình qua cơn khó khăn. Nhưng ba tôi dạy, người ta cho mình tiền, nhất định sẽ lấy lại một thứ gì khác. Chẳng lẽ tôi không có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho đời mình mà phải cúi đầu trước đồng tiền hay sao. Bây giờ tôi không giàu, thì tương lai tôi sẽ cố gắng gấp hai, gấp ba lần để lo được cho gia đình. Tôi không phải búp bê bằng bông mà ai muốn đặt đâu thì đặt".
1 tiếng kể hết - Talkshow đặc biệt của Trí Thức Trẻ. Đây sẽ là nơi lần đầu những người nổi tiếng được trút bỏ chiếc áo khoác mĩ miều của hào quang sân khấu để chia sẻ về những vấp váp trong cuộc sống, công việc... Với phong cách trẻ trung, tươi mới nhưng cũng không kém phần sâu sắc, 1 tiếng kể hết sẽ giúp độc giả hiểu và gần gũi hơn với các nghệ sĩ.