Nghe tới thủy thủ, hay thủy thủ tàu viễn dương, hẳn nhiều người đã mường tượng ra về cái nghề quanh năm gắn bó với sóng biển và những con tàu. Không chỉ có vậy, người ta cũng dùng những cụm từ để miêu tả đặc trưng của nghề này như tự do, lênh đênh, nay đây mai đó, thích gì ăn nấy, rảnh rảnh sẽ ngồi ngắm biển cả mênh mông. 

Thế nhưng, trên đây mới chỉ là những gì chúng ta thường nghĩ hay biết qua báo đài, còn có thật sự như thế hay không thì chỉ có người trong cuộc mới giải đáp được. Vậy thì, trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi lần đầu gặp gỡ với thủy thủ tàu viễn dương Lưu Viết Hải (sinh năm 1995, Vũng Tàu, kinh nghiệm 5 năm trong nghề) để có một cái nhìn chính xác và khái quát nhất về nghề này nhé. 

Thủy thủ tàu viễn dương là nghề gì? 

Trước tiên, chúng ta cần nói một chút về thủy thủ. Thủy thủ, có thể hiểu là những người làm việc trên tàu như một phần của thủy thủ đoàn và làm việc ở một trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến hoạt động và bảo dưỡng tàu. Nhắc đến thủy thủ là đề cập đến nhân viên của tất cả các tàu thủy bất kể phương thức vận tải, bao gồm cả những người điều hành tàu chuyên nghiệp và giải trí, có thể là hải quân quân đội hoặc dân sự. 

Còn thủy thủ tàu viễn dương là một khái niệm nhỏ hơn, đó là những người làm việc cho các chủ tàu, trên con tàu chở hàng hóa, container, xăng dầu, hóa chất… Khác với những con tàu du hành thường chạy với điểm xuất phát và điểm khứ hồi chung một cảng, tàu viễn dương sẽ không chạy khứ hồi mà liên tục ghé các bến cảng mới. 

Hình ảnh tàu ở cảng xếp dỡ hàng hóa và khi lênh đênh trên biển. Những con tàu thường có kích thước rất lớn, có khi lên tới cả chục ngàn tấn.

Những con tàu viễn dương có thể nhận và chở hàng từ nước này sang nước khác hoặc từ châu lục này sang châu lục khác. Nhiều tàu lênh đênh trên biển nhiều tháng trước khi trở về với bến xuất phát.

”Để được làm việc trên tàu viễn dương, ngoài tốt nghiệp đại học, cao đằng ngành điều khiển tàu biển hoặc máy tàu thủy thì phải học đào tạo thêm để lấy các chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ an toàn hàng hải”, anh Hải cho biết.   

Bên cạnh đó, với những con tàu gồm nhiều thủy thủ đến từ các quốc gia khác nhau thì bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh. “Như tàu của mình có cả thủy thủ của Hà Lan, Philippines, Nga, Ukraine, Romania, Việt Nam… nên tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Còn một số tàu đa phần là người Việt thì các vị trí sĩ quan chính như thuyền trưởng, máy trưởng cần có ngoại ngữ, còn các vị trí khác không yêu cầu quá cao”, anh nói thêm. 

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và giờ làm việc như dân văn phòng - Ảnh 2.

Anh Hải và các đồng nghiệp trên tàu.

Lênh đênh trên biển nhưng không cần lo bữa ăn vì đã có đầu bếp chuyên nghiệp phục vụ

Ngày bình thường của anh Lưu Viết Hải và các đồng nghiệp làm vị trí sĩ quan máy và thủy thủ đều tuân theo một thời gian biểu cố định. “7 giờ sáng vệ sinh cá nhân, 7 giờ 30 ăn sáng, 8 giờ vào làm việc. Đến 10 giờ sẽ nghỉ giải lao, uống cà phê, đồng thời trao đổi công việc giữa 2 bộ phận boong và máy. Đến 12 giờ sẽ ăn trưa, nghỉ trưa. 13 giờ trở lại làm việc đến 15 giờ nghỉ giải lao 30 phút, 15 giờ 30 quay lại làm việc đến 17 giờ rồi chuẩn bị ăn tối. Ca tối thì thay nhau ra trực, nếu có báo động thì chuông kêu lên cả buồng ngủ và người nào trực sẽ xuống”, anh kể. 

Đương nhiên, có hôm nhiều việc hay gặp sự cố thì các thủy thủ sẽ cùng nhau trao đổi và phải xử lý cho đến bao giờ công việc ổn định mới ngừng. Tuy vậy, họ cũng không cần lo lắng nhiều về chuyện ăn uống bởi sẽ có đãi ngộ riêng.

Một góc phòng ngủ của thủy thủ tàu viễn dương với view cửa sổ nhìn ra biển

Thông thường, một con tàu viễn dương chứa hàng ở phần bụng tàu và khu vực buồng lái ở trên cao để lái và quan sát. Còn phần buồng máy, ngoài chứa các trang thiết bị máy móc thì còn phân chia hẳn thành các phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp, phục vụ cho cuộc sống của các thủy thủ. 

Đặc biệt, ở dưới tàu sẽ có một đầu bếp chuyên nghiệp, nấu bữa ăn cho các thủy thủ. Mỗi người được phân chia một khẩu phần ăn nhất định và đều giống nhau. Nhưng điều khiến chúng tôi chú ý hơn cả là những miêu tả của anh Hải: “Bữa ăn đơn giản của chúng mình gồm mỳ Ý với thịt gà, có con cua tuyết là mình mua thêm trên bờ mang về nhờ đầu bếp cho anh em ăn vui thôi chứ thực đơn trên tàu không có”.

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và giờ làm việc như dân văn phòng - Ảnh 5.

Đầu bếp người Philippines đang nấu đồ ăn. Có thể thấy không gian bếp tương đối rộng và tiện nghi, y như ở trên đất liền.

Những bữa ăn trên tàu.

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi hay vào các dịp sinh nhật, lễ tết, anh Hải và các đồng nghiệp sẽ cùng nhau bày vẽ ra chế biến các món ăn, có khi còn câu cá hay tổ chức nướng cả một con lợn trên tàu để thưởng thức.

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và giờ làm việc như dân văn phòng - Ảnh 7.

Bữa tiệc thịnh soạn nhân dịp Giáng sinh và chào năm mới trên tàu.

Về thực phẩm, sẽ được phía chủ tàu đặt mua qua các công ty cung ứng thực phẩm và chuyển trực tiếp xuống tàu. Kho thực phẩm được phân chia thành khu vực chứa đồ khô gồm các loại sữa tươi, nước ép trái cây, tương ớt, dầu ăn, đồ đóng hộp; kho mát để bảo quản rau củ, hoa quả;  kho đông lạnh được duy trì ở nhiệt độ -21 độ C để bảo quản thịt, cá, rau củ đông lạnh, bánh mì, xúc xích, thịt nguội.

“Trong trường hợp gần hết đồ mà giá thành ở một số quốc gia đắt thì họ sẽ chỉ mua đỡ một ít rồi sang nơi tiếp theo, sẽ đặt số lượng lớn để tiết kiệm hơn. Thi thoảng tàu neo ở một số nước, mình cũng lên tham quan và mua sắm một số đồ cần thiết”, anh Hải bổ sung. 

Kho thực phẩm lấp đầy một lần sẽ đủ cho 10 người sinh tồn trong hơn 1 tháng vượt đại dương.

Nghề thủy thủ giữ gìn hạnh phúc bằng "niềm tin" theo đúng nghĩa 

Nghề thủy thủ thường được gắn cho cụm từ “tự do” bởi họ quanh năm suốt tháng được sống trên những con tàu, đi đến mọi vùng đất. Thậm chí, nhiều người còn liên tưởng rằng các thủy thủ có thể làm những gì họ muốn, miễn sao đưa được hàng đến nơi cần giao. Song, khi chúng tôi đem câu này hỏi thì anh Hải lại khẳng định chắc nịch một điều rằng, không hề có chuyện đó với các thủy thủ đi tàu viễn dương. 

Theo lời anh, tùy vào công ty, chủ tàu, sẽ có một số quy định về giờ làm việc, thời gian làm việc, nghỉ giữa ca cũng như thời gian đi biển. “Đối với công ty mình, trong ngày sĩ quan máy và thủy thủ sẽ làm việc từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều, còn buổi tối thì thay phiên nhau để trực báo động. Còn vị trí sĩ quan boong khi tàu chạy biển sẽ làm theo ca 4-4 để lái tàu. Mỗi người 4 tiếng 1 ca và 1 ngày 2 ca 8 tiếng". Nếu đem ra soi chiếu thì gần giống với thời gian làm việc của dân công sở đấy chứ, còn lúc trực báo động có lẽ tương tự như thời gian tăng ca, làm thêm giờ của nhiều người.  

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và giờ làm việc như dân văn phòng - Ảnh 2.

Mỗi lần đi tàu viễn dương của các thủy thủ sẽ kéo dài khoảng 4 tháng, sau đó được nghỉ ngơi ở nhà 2 tháng rồi mới trở lại hành trình. Tuy nói rằng thời gian nghỉ ngơi có thể linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh hay là không bị ràng buộc thứ gọi là "kpi" nhưng chỉ cần nhắc đến tính chất công việc phải lênh đênh trên biển dài ngày thì cũng là một vấn đề đáng lo lắng. Làm nghề này, liệu chuyện hôn nhân và gia đình sẽ lo thế nào? 

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và giờ làm việc như dân văn phòng - Ảnh 3.

Ngon hải đăng Novaland giữa biển Thuỵ Điển vào lúc bình minh qua ống kính của anh Hải. Có lẽ, một điều “tự do” nhất với những thủy thủ như anh là luôn được ngắm nhìn và chứng kiến nhiều cảnh đẹp thiên nhiên từ góc nhìn của biển cả.

Chính anh Hải cũng thừa nhận rằng, với các thủy thủ còn độc thân thì thật khó để tìm người yêu. Mà ngay cả những người đang hẹn hò cũng khó khăn bởi thời gian ở bên nhau thường ngắt quãng, không đủ lâu để hai bên hiểu nhau hay có đủ niềm tin ở nhau.

Tuy nhiên, với những cặp đôi đã xây dựng được niềm tin với đối phương thì chuyện có đi làm xa bao lâu, hai bên vẫn thông cảm và ở bên nhau. Kể về chuyện tình cảm và gia đình của mình, anh Hải nói: "Mình và vợ yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường đi làm tụi mình vẫn yêu nhau. Sau khi ra trường mình cũng đi biển 3 năm rồi mới tổ chức đám cưới. Riêng tụi mình không có vấn đề gì về việc đi làm xa nhà cả. Đúng là có khi sự việc đột xuất ở nhà, mình đành nhờ hết vào vợ và gia đình lo toan giúp. Nhưng nếu một số trường hợp đặc biệt mà có dự định trước, mình vẫn linh động sắp xếp thời gian để ở nhà hoặc mình sẽ trở về nhà sớm hơn các thành viên trên tàu". 

"Trong ngành tàu biển, mình đã gặp và tận mắt chứng kiến các gia đình thủy thủ rất hạnh phúc, chồng đi làm với kinh tế ổn định cũng là lo cho gia đình. Số gặp trục trặc chiếm % rất nhỏ. Nhưng quan trọng là nằm ở niềm tin giữa con người chứ không phải do nghề thủy thủ tàu viễn dương hay nghề tàu biển nói chung. Nếu vợ hoặc chồng có ý muốn khác thì dù có ở ngay bên cạnh vẫn xảy ra, còn nếu đủ yêu thương, xa nhau 5-7 tháng không phải là vấn đề lớn đâu", anh Hải  cho hay.

(Cảm ơn những chia sẻ và hình ảnh từ thủy thủ Lưu Viết Hải)

Thủy thủ tàu viễn dương lần đầu bật mí về bữa trưa được đầu bếp riêng phục vụ và câu chuyện giữ gìn hạnh phúc gia đình - Ảnh 10.