Ngày 12/12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo khẩn về việc tố cáo tài công "chém người, vứt xuống vùng biển Malaysia".

Văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ xác minh, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm; truy tìm các đối tượng; làm rõ có hay không hành vi vi phạm để xử lý theo quy định.

Trước đó, vào ngày 9/12 vừa qua, ngư phủ N.C.T quê Rạch Giá, Kiên Giang, đến cơ quan chức năng huyện Ngọc Hiển trình báo việc tận mắt chứng kiến tài công chém, đẩy ngư ngủ xuống biển và đưa ra tấm ảnh có nội dung này.

Theo trình bày của ngư phủ T, tháng 10/2020, anh đi làm ngư phủ cho một tàu cá ở Bến Tre. Tàu cá này là tàu cái (cặp cào đôi, gồm tàu cái và tàu đực), do người tên Tr. làm tài công.

Trong quá trình đánh bắt hải sản ngoài biển, tài công Triều thường đánh các ngư phủ bằng ống inox, xẻng xúc nước đá… nhưng các ngư phủ không dám phản ứng lại vì ông Tr. có súng điện (!?).

Khoảng 1 tháng sau (tháng 11/2020), vào ban đêm, tài công Triều dùng dây trói tay một ngư phủ (không biết tên) treo lên sau đó dùng mã tấu tự chế chém vào vai, đầu người này nhiều cái rồi xô xuống biển, lúc này tay của ngư phủ đó vẫn còn bị trói.

Anh T. thấy người bị xô xuống biển ngoi lên mặt biển mấy lần rồi chìm. Anh T. đến hỏi ông Tr.: "Sao đánh người ta dữ vậỵ", thì bị ông này chửi, dùng ống inox đánh vào đầu ngất xỉu.

Sáng hôm sau, anh T. nghe một ngư phủ khác nói lại “Tr. dùng mã tấu chém thêm 3 người nữa đều vứt xuống biển” (!?).

 - Ảnh 2.

Hình ảnh người dân cung cấp được cho là một trong những ngư phủ bị thuyền trưởng Tr. chém và vứt xuống biển. Ảnh: CAND

Khoảng 15 ngày sau, Tr. và D. điều khiển tàu cái vào đất liền để bán hải sản. Lợi dụng cơ hội này, một số ngư phủ trên tàu đực quá giang tàu cá khác vào cửa biển Sông Đốc (hiện chưa xác định được danh tính). 

Lúc này, trên tàu đực vẫn còn khoảng 7 người nên bàn với nhau chặt dây neo chạy vào đất liền. Hai người trên tàu thay nhau chạy 1 ngày, 1 đêm đến gần cửa kênh Hai Thiện (ấp cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), cách bờ khoảng 1 hải lý thì bị mắc cạn. 

Lúc này, xuồng lưới của một người đi ngang qua nên T. cùng 3 người khác xin đi nhờ vào đất liền (trên tàu còn 3 người ở lại)...

Khi vào đất liền, T. đến Đồn biên phòng Đất Mũi trình báo vụ việc. Còn 3 người kia thuê xe về thị trấn Sông Đốc và cũng đến Đồn biên phòng Sông Đốc trình báo vụ việc liên quan. 

 - Ảnh 3.

3 ngư phủ được cho là đi trên "chuyến tàu cá kinh hoàng" đang trình bày sự việc với cơ quan chức năng. Ảnh: Người lao động

Các ngư phủ này được xác định danh tính, gồm: Ng.V.Th (52 tuổi), Đ.P.Q (17 tuổi, cùng ngụ huyện Phú Tân, Cà Mau), V.T.V (26 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Cả ba cùng trình báo thường xuyên bị tài công Tr. dùng cây đánh. 

Đặc biệt, cả ba trình báo về việc mất tích của ngư phủ tên N.V.C (48 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và cho biết, tài công Tr. có báo cho chủ tàu biết về việc mất tích của ngư phủ N.V.C nhưng không trình báo cơ quan chức năng, thông tin trên báo Thanh niên.

Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.