Ngày 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Hội nghị đề cập tình trạng thiếu giáo viên (GV) môn tiếng Anh, tin học đối với bậc tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với bậc THPT khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 từ năm học 2022-2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ và chính sách thu hút GV đến những địa bàn khó khăn... Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước thiếu 95.000 GV các cấp, đồng thời thừa GV cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học.
Từ điểm cầu TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, phản ánh một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn của thành phố nên việc triển khai gặp những bất cập, khó khăn. Cụ thể, hiện vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với GV ngoại ngữ, tin học và nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, kế toán. Ngoài ra, GV dạy môn âm nhạc, mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho hay tình trạng GV xin nghỉ việc gây khó khăn lớn cho địa phương. Từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, tỉnh có 527 GV nghỉ việc vì áp lực công việc lớn trong khi lương quá thấp. Tổng số công chức, viên chức của toàn ngành giáo dục tỉnh là 20.044, song tổng số học sinh trong năm học 2022-2023 dự kiến tăng thêm khoảng 29.000. Như vậy, tỉnh Bình Dương có thể thiếu trên 3.000 GV.
Tỉnh Nghệ An cũng đang thiếu hàng ngàn GV các cấp, đặc biệt là GV các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin năm qua địa phương được bổ sung gần 2.800 GV nhưng dự kiến còn thiếu khoảng 6.000 GV trong năm học 2022-2023, khiến việc triển khai chương trình mới rất khó khăn. Lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan ban hành chính sách bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ GV đáp ứng chương trình mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành giáo dục chủ động đề xuất cơ chế về học phí và thực hiện tự chủẢnh: LAN ANH
Quá tải quy mô trường, lớp
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho hay có tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về quy mô trường, lớp. Theo quy định do Bộ GD-ĐT ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT có không quá 45 HS; cấp tiểu học có không quá 35 HS/lớp. Tuy nhiên, số liệu của ngành GD-ĐT TP Hà Nội cho thấy tỉ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học hiện là 39,3; cấp THCS là 39,1 và cấp THPT là 40,7. Đáng chú ý, các trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy có tỉ lệ bình quân hơn 50 HS/lớp.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành luôn mong muốn đủ GV, đủ điều kiện để HS học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, có 2 việc mà ngành không quyết định được, đó là lương và biên chế GV. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, từ đó đổi mới về quản trị. Song song đó, cần rà soát, chủ động đề xuất cơ chế về học phí và thực hiện tự chủ để lo lương cho GV, giảm GV hưởng lương theo biên chế nhà nước, đưa biên chế về vùng nông thôn, bảo đảm đủ GV và HS học 2 buổi/ngày. "Không thể để sĩ số 60 HS/lớp mà phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nhiều nước dần tiến tới dưới 20 HS/lớp, còn tại các đô thị lớn của Việt Nam có nơi 50-60 em/lớp. Có nơi lớp không đủ, thiếu GV; HS không thể học 2 buổi/ngày. Đây là những điều rất căn bản mà ngành giáo dục phải cải thiện" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Gỡ vướng mắc chồng chéo
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao; trọng tâm là triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa (SGK) GDPT mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. "Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ GD-ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là ưu tiên trước hết. Cụ thể, rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chồng chéo; ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT cả nước, năm học 2022-2023 sẽ là một năm mà nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với GDPT, trong 12 tháng tới, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và SGK mới cho lớp 3, 7, 10. Đồng thời, thẩm định, in ấn, xuất bản SGK cho các lớp 4, 8, 11; biên soạn SGK cho các lớp 5, 9, 12. Bên cạnh đó, tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, trong đó có việc chuẩn bị đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK phổ thông cho HS mượn, triển khai từ năm học 2022-2023.
"Rất mong lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp tốt cùng ngành GD-ĐT đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho việc lựa chọn SGK; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn GV" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đối với giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025" và Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025"; phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp điều kiện; từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV...
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học tới là xây dựng, thực hiện "Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học" và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo...
TP HCM: Tăng cường khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết sau khi dịch Covid-19 tại TP HCM được kiểm soát, thành phố quyết tâm, linh hoạt, chủ động ban hành, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, hướng dẫn, lộ trình cho các cơ sở giáo dục tiếp nhận học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Trong năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách dành cho giáo dục; tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá của TP HCM để giáo dục thành phố hội nhập, phát triển..