Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, bậc THCS, môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng từ năm học 2021-2022 tới, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Điều này khiến nhiều giáo viên lo lắng việc dạy học bị xáo trộn vì các thầy cô quen với việc dạy và được đào tạo đơn môn.
Năm học tới, cô Nguyễn Thị Minh Phương, trường THCS Đông Hà, (Chợ Mới, Bắc Kạn) được phân công đảm nhận dạy học hai môn Toán và Lý. Cô hiểu rằng, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao, từ nguyên lý đến khái niệm; nội dung nào có sự trùng lặp lý sẽ tích hợp lại vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể tốt hơn.
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Trước mắt, do chưa có giáo viên chuyên dạy Khoa học tự nhiên, nên hai hoặc ba giáo viên cùng dạy môn học này. Trường sắp xếp giáo viên dạy Toán kiêm nhiệm thêm môn Vật lý, còn phần Hoá học và Sinh học sẽ do hai giáo viên độc lập dạy như chương trình giáo dục hiện này.
Là giáo viên Toán khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Phương lúng túng vì chưa hình dung ra bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao, kiến thức bồi dưỡng tập huấn môn Vật lý không nhiều.
Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực Hoá, Lý, Sinh thì việc dạy học sẽ tốt hơn, trách nhiệm giáo viên trên lớp cao hơn thay vì kiêm nhiệm như năm học tới.
Theo cô, để triển khai dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 tới đây, việc sắp xếp thời gian lên lớp, nội dung giảng dạy giữa các giáo viên là vấn đề quan trọng nhất vì có sự thay đổi thời khóa biểu mỗi tuần, có xáo trộn.
Cô Nguyễn Thu Chương, giáo viên trường THCS ở Hoà Bình cho biết, hiện giáo viên ở cơ sở còn khá mơ hồ, bối rối cho việc chuẩn bị dạy các môn học tích hợp. Hầu hết họ lo lắng không biết phải tích hợp nội dung các môn học sao cho đúng, cho đủ và không chồng chéo giữa các đồng nghiệp cùng dạy môn đó.
Thực tế, không ít giáo viên tích hợp thiếu sự tính toán lượng kiến thức trong cùng một bài dạy nên dạy không đủ giờ. Khó nhất là giáo viên mới chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức nên chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì hết giờ. Một tuần mỗi lớp chỉ có từ 5 đến 10 tiết học, giáo viên phải khéo co kéo lắm mới cho đủ nội dung chính chứ chưa nói đến phần tích hợp liên môn.
Có đồng nghiệp của cô Chương còn nhầm tưởng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt, thành thử đến thời điểm hiện tại nhiều giáo viên còn rất mơ hồ.
Để chuẩn bị cho dạy học tích hợp trong năm học tới, cô Bùi Thị Tâm Giao, giáo viên Hoá trường THCS ở Hà Nội thường xuyên tìm hiểu đọc thêm các kiến thức, khái niệm và bài giảng tham khảo về dạy tích hợp.
Cô cho rằng, việc tập huấn vài buổi, vài tuần cho giáo viên là chưa đủ, các thầy cô phải tự chủ động tìm hiểu và tự thảo luận tìm ra các hướng tích hợp nội dung sao cho hợp lý. Đến thời điểm này, trường của cô vẫn chưa tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 mới nên chưa biết các nội dung trong sách thiết kế cụ thể từng chủ đề như thế nào. Hy vọng sớm các hướng dẫn chi tiết để giáo viên yên tâm chuẩn bị tâm thế đón lứa học sinh lớp 6 "thế hệ mới".
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Phó hiệu trưởng trường THCS Nông Hạ (Chợ Mới, Bắc Kạn), dự kiến năm học tới sẽ đón hai lớp 6 (hơn 80 học sinh) và điều cô lo lắng nhất là trường đang thiếu giáo viên dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường có 16 giáo viên, trong khi triển khai dạy học theo chương trình mới mới đòi hỏi phải có giáo viên Tin học, tổ bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Hiện trường chỉ có từ 1 giáo viên/môn dạy cả bốn khối lớp 6, 7, 8, 9.
Cùng với việc thiếu giáo viên, lớp 6 tới đây thay đổi không còn học phân môn, sẽ học tích hợp, nhưng trường chưa có giáo viên viên đủ năng lực dạy ba môn một lúc. Do đó, thầy cô mong muốn các cấp tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là kiến thức cơ bản tối thiểu để dạy hai môn tích hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về mặt lâu dài vẫn cần những giáo viên tốt nghiệp các trường sư phạm được đào tạo bài bản về dạy tích hợp.
Chia sẻ về thiết kế sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6, phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông và sách Khoa học tự nhiên (bộ Cánh Diều) sẽ không ghi cụ thể phần nào là phần Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Bởi nếu vẫn ghi và phân mảng kiến thức cụ thể như thế thì giáo viên vẫn có cảm giác đây là môn học cộng cơ học từ 3 môn Hóa Học, Vật Lý, Sinh học. Thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên.
Với môn Khoa học tự nhiên khi xây dựng chương trình tính đến điều kiện tối thiểu mỗi một giáo viên có thể dạy được một phần nội dung trong sách giáo khoa. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể dạy nội dung về “chất và sự biến đổi của chất”, giáo viên Sinh học dạy mảng kiến thức về “Vật sống”…
Tuy nhiên, về lâu dài sự phân công như vậy cũng không thuận lợi. Tương lai, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng để có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau. Đồng thời, việc kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên theo tinh thần mới là tập trung vào việc vận dụng kiến thức chứ không phải là kiểm tra ghi nhớ. Việc kiểm tra không chỉ tập trung vào một mảng kiến thức cụ thể mà quan trọng là kiểm tra việc vận dụng kiến thức tổng hợp giữa các mảng kiến thức với nhau.