Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại di động quá nhiều, dẫn đến tình trạng nghiện. Khi bị bắt buộc tạm ngưng sử dụng, họ cảm thấy lo lắng và khao khát được cầm lấy thiết bị này để chơi. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và mối quan hệ với mọi người.

Sự việc một giáo viên bị cậu học sinh mất kiểm soát tấn công ngay trên bục giảng vừa xảy ra ở Trung Quốc là một ví dụ về tác hại ghê gớm của việc lạm dụng điện thoại di động.

Chuyện xảy ra cách đây vài ngày tại một trường trung học thuộc tỉnh Chiết Giang. Khi đang đứng giảng bài, thầy giáo phát hiện một nam sinh không chịu nghe giảng mà lén lút dùng điện thoại.

Tịch thu điện thoại của học sinh, giáo viên bị đánh ngay trên bục giảng - Ảnh 1.

Không hài lòng với hành động vô ý thức của cậu học trò, thầy giáo quyết định xuống tận nơi, thu giữ điện thoại và yêu cầu nam sinh tập trung vào bài học. Nào ngờ, khi thầy đang quay về bục giảng để tiếp tục công việc, nam sinh lao theo, dùng tay kẹp chặt lấy cổ thầy, cố gắng lấy lại chiếc điện thoại trong tay thầy giáo.

Giận dữ với hành vi thiếu kiềm chế của nam sinh, thầy giáo vừa mắng vừa giữ chặt điện thoại. Trong quá trình này, nam sinh đã hai lần tấn công thầy giáo bằng những động tác mạnh khiến tình huống trở nên mất kiểm soát. Thấy vậy, các học sinh khác chạy lên, kéo nam sinh đang phát cuồng vì chiếc điện thoại ra khỏi thầy giáo.

Sau khi những hình ảnh liên quan đến sự việc này được đăng tải khiến dư luận bức xúc. Đa số mọi người phẫn nộ về hành vi của nam sinh, đặt dấu hỏi về sự giáo dục mà cậu thụ hưởng cũng như báo động về tình trạng bạo lực ở học đường.

"Hãy gọi phụ huynh của nam sinh này đến đón về, giáo dục lại", "Thích chơi điện thoại đến thế thì hãy nghỉ học về nhà chơi thoải mái đi, đừng làm ảnh hưởng đến thầy cô giáo và các bạn cùng lớp!", "Ở môi trường giáo dục hiện nay, làm một giáo viên có trách nhiệm thật khó khăn!".

"Đây cũng là một dạng bạo lực học đường phải không? Thầy giáo cũng bị bạo lực", "Điều đáng buồn là mặc dù giáo viên đang đối mặt với sự tấn công đe dọa đến tính mạng, một khi ông ấy phản kháng, hành động đó sẽ bị coi là sự cố giáo dục và bị sa thải"... cư dân mạng xôn xao bình luận.

Nhiều người khác lên tiếng về sự nguy hiểm của chứng nghiện điện thoại: "Phụ huynh đừng để con mình đắm chìm vào điện thoại nữa, lạm dụng quá sẽ dẫn đến nghiện, hành động mất kiểm soát sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh".

Hiện, chưa có thông tin chính xác về phương án xử lý nam sinh.

(Nguồn: Sina)