Bệnh nhân là N.T.H (35 tuổi, Tuyên Quang) đến Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) trong tình trạng bụng béo nhiều mỡ, nhiều vết sẹo cũ.

Khai thác tiền sử, nữ bệnh nhân cho biết chị có chiều cao 1m55 nặng khoảng 75kg. Sau khi sinh con N.T.H gặp tình trạng tăng cân mất kiểm soát, tăng gần 20kg trong vòng 1 năm.

Trong những năm gần đây N.T.H có tìm hiểu và ăn uống theo chế độ giảm cân được quảng cáo, tốn nhiều tiền nhưng chế độ ăn này chỉ giúp H. duy trì cân nặng chứ không giảm được số cân nào.

Tiêm dung dịch “mỡ hóa lỏng” để giảm cân, người phụ nữ gặp biến chứng nặng - Ảnh 1.

BS.Nghĩa cùng ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Cách đây 2 năm, N.T.H nghe một người bạn giới thiệu sử dụng phương pháp giảm cân không xâm lấn chỉ cần tiêm 1 lần là mỡ sẽ tự động hoá lỏng và bụng sẽ nhỏ lại. Tin lời bạn, chị H. đã đến một cơ sở tại nơi mình sinh sống để tiêm một dung dịch không tên vào vùng bụng. Mỡ hóa lỏng đâu không thấy chỉ thấy sau tiêm được một tuần, vùng bụng H. nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa - Phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, bệnh nhân bị áp-xe bụng sau tiêm tan mỡ. Di chứng để lại là tình trạng bụng lồi lõm, xơ cứng phần bụng dưới. Ê-kíp đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật xử lý và kết hợp hút tạo hình thành bụng, cắt toàn bộ da mỡ bụng dưới.

Bác sĩ cũng khuyến cáo các quảng cáo làm đẹp thần tốc, tiêm tan mỡ, mỡ sẽ được thải ra bằng đường tiết niệu, nước tiểu có lớp váng mỡ nổi lên… không có tác dụng còn gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc giảm cân nội khoa hay ngoại khoa cần có lộ trình và được bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc thẩm mỹ thăm khám.