Cách đây ít ngày, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho người phụ nữ hơn 30 tuổi ở Thanh Hóa bị biến chứng sau tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi. Bệnh nhân cho biết trước đó chị được "thầy" phong thủy phán chị có chiếc mũi xấu, tiêu tán tài lộc nên phải chỉnh sửa.
Tin lời thầy chị đi căng chỉ nâng mũi ở một spa. Sau can thiệp một tháng, chị thấy đầu mũi chưa đẹp như mong muốn nên tiêm tiếp 1ml filler vào đầu mũi và vùng sống mũi.
Nữ bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler
Một ngày sau, vùng tiêm xuất hiện biến chứng đỏ da, sưng nề. Nhân viên spa tiêm chất giải nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khi tình trạng đỏ, sưng toàn bộ mũi vẫn nặng nề.
Tại Bệnh viện các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng hoạt chất chống viêm, kháng sinh để giảm nguy cơ hoại tử, tiếp tục tiêm chất giải.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng nặng nề sau tiêm filler làm đẹp cũng như "sửa" tướng.
Trong số này có một nữ bệnh nhân gần 40 tuổi đã phải nhập viện sau khi quyết định thẩm mỹ thành "tai Phật". Bệnh nhân cho biết dái tai của chị khá mỏng và nhỏ, tai lại cụp vào nên chị muốn chỉnh sửa lại để có tướng mạo phúc hậu hơn, đồng thời phù hợp với tính chất công việc kinh doanh. Sau gần 1 tuần vành tai sưng, tấy đỏ và có màu sắc không đồng nhất. Tại cơ sở làm đẹp chị này đã được nhân viên tiêm chất giải nhưng không khôi phục được tai như ban đầu.
Các bác sĩ cho biết tiêm "tai Phật" là dịch vụ được nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa quảng cáo thời gian gần đây. Với chi phí chỉ vài triệu đồng người được tiêm sẽ sở hữu dái tai to giống có tướng tài lộc, phú quý, giàu sang và may mắn nên rất nhiều người chọn dịch vụ này, nhất là nam giới.
Quảng cáo tiêm collagen nhưng thực chất là tiêm filler
Theo bác sĩ Minh, nhiều bệnh nhân đến viện cầu cứu bác sĩ sau khi tiêm các chất làm đầy cũng như tiêm chất được quảng cáo là collagen vì muốn thay đổi phong thuỷ, vận mệnh. Những vị trí được nhiều người hay can thiệp để thay đổi "phong thuỷ" như mũi, cằm, tai, hõm má, lõm giữa cung lông mày, thái dương…
Nhiều biến chứng nghiêm trọng sau tiêm filler
"Đa số mọi người đều muốn nhấn nhá trên gương mặt mong thay đổi số mệnh, tài lộc. Nhưng chính những vị trí này lại hay để lại biến chứng sau tiêm filler. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật, chất làm đầy không đảm bảo chất lượng. Vùng trán, mắt và tai có nhiều mao mạch nhỏ nên dễ bị chảy máu, bầm tím. Tiêm filler là thủ thuật nghe qua tưởng đơn giản nhưng có nhiều biến chứng, rủi ro. Những khu vực như mũi nếu tiêm filler bởi người không được đào tạo, hiểu biết hay filler "rởm", thì nguy cơ xâm nhập vào động mạch trung tâm võng mạc, đi vào bên trong mắt gây biến chứng nặng nề hơn như hoại tử, mù mắt có thể xảy ra"- bác sĩ Minh giải thích.
Các bác sĩ cũng cho biết sau thời gian dịch Covid-19 việc làm đẹp có xu hướng gia tăng. Do những biến chứng với nhiều ca tử vong sau tiêm filler được cảnh báo nhiều nên không ít cơ sở "lách" khái niệm tiêm filler hay chất làm đầy bằng cách quảng cáo sử dụng "hoạt chất collagen", "hoạt chất tăng sinh collagen", tiêm HA (Hyaluronic Acid) collagen… để khách hàng yên tâm.
Các bác sĩ cũng lưu ý tiêm chất làm đầy là phương pháp làm đẹp được nhiều người lựa chọn vì hiệu quả tức thời, không phải đụng dao kéo, không mất thời gian nghỉ dưỡng...
Tuy nhiên, dù tiêm filler là thủ thuật nhỏ nhưng có những yêu cầu nghiêm ngặt, như tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, tiêm đúng vị trí, không tiêm số lượng quá lớn gây chèn ép mô, hoại tử vùng tai, phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Theo bác sĩ Minh, các cơ sở này quảng cáo giới thiệu đây là chất chống lão hoá, chất collagen, hay tái sinh đa tầng với lời hứa hẹn làm đầy vùng này mà không dùng filler nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bản chất của việc sử dụng một lượng lớn chất collagen để làm đầy toàn bộ khu vực là rất khó khăn.
Đó là bởi các hoạt chất collagen khi đưa vào cơ thể có thể gây ra dị ứng, nguy cơ tạo phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì thế đa số các hoạt chất đưa vào cơ thể có vai trò kích thích tăng sinh collagen, về mặt bản chất đều tham gia quá trình làm đầy. Thực tế, sau tiêm các chất được quảng cáo là collagen này, bệnh nhân có biểu hiện như sưng nề, giữ nước (như tiêm chất làm đầy). "Khi bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, cấp cứu và xử lý biến chứng được bác sĩ siêu âm, chẩn đoán, dùng chất tan giải thì có thể thấy chất được các cơ sở làm đẹp tiêm cho khách hàng đều là chất làm đầy, không phải collagen như quảng cáo. Rõ ràng những biến chứng là sau tiêm filler chứ không phải tiêm collagen"- bác sĩ Minh chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo khách hàng cần phải chọn chất làm đầy chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề, hiểu rõ về kỹ thuật này, ở cơ sở y tế được phép thực hiện. Tốt nhất nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh biến chứng có thể gây thương tật, thậm chí tử vong.