Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng cao là do miễn dịch cộng đồng yếu đi.

Đúng là có thời gian gián đoạn vaccine tiêm chủng khiến các bé chưa được tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vẫn còn không ít phụ huynh chưa hiểu đúng về việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi dẫn đến việc trẻ bị bỏ sót mũi tiêm hoặc trì hoãn tiêm vì nhiều lý do khác nhau.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng tại 18 địa phương trên cả nước để nhằm hạn chế những ảnh hưởng của căn bệnh này đối với trẻ nhỏ. Chị Trần Thu Thủy sống tại Hà Nội có con gái 4 tuổi và con trai 1 tuổi tỏ ra lo lắng khi bệnh sởi diễn biến phức tạp. Chính vì thế, chị đã đưa các con đi tiêm phòng. Tuy nhiên, cũng có những người quen của chị Thủy khá chủ quan và chưa cho con đi tiêm.

“Bây giờ nhiều phụ huynh không tiêm vaccine cho con thì sẽ làm lây lan dịch bệnh kinh nghiệm từ năm 2014 bùng phát sởi mình đã chứng kiến, từ đầu năm đến nay cũng có nhiều trường hợp bé bị sởi nhập viện. Bây giờ mình tiêm cho con mình mà họ lại không tiêm cho con họ thì nguy cơ lây sang các bé cũng rất cao”.

Các phụ huynh không cho con tiêm phòng hoặc cổ súy cho phong trào “anti vaccine” trên mạng xã hội đang khiến cộng đồng lo lắng.

Tiêm phòng sởi cho trẻ có nên trì hoãn? - Ảnh 1.

Không ít trẻ nhập viện vì mắc sởi do chưa được tiêm vaccine

Việc quay trở lại của nhiều dịch bệnh như ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản trong những năm qua đều xuất phát từ việc tiêm phòng chưa đầy đủ. Hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh cung ứng vaccine và chiến dịch tiêm chủng nhằm vá lỗ hổng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo PGS-TS- BS Đỗ Duy Cường- Giám đốc TT Bệnh nhiệt đới- BV Bạch Mai để hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, việc nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng cũng rất quan trọng.

“Tỷ lệ tiêm giảm còn do người dân nhận thức kém, ví dụ như phong trào anti vaccine, chẳng hạn như xảy ra một vài hiện tượng có tác dụng phụ, vì thế nhóm này dễ tạo thành những hiệu ứng để nói về việc không tiêm phòng cho trẻ. Chỉ một vùng nào đó không tiêm thì miễn dịch cộng đồng sẽ không có, như vậy, dịch bệnh sẽ xảy ra"- BS Cường khẳng định.

Để phòng bệnh sởi cho con, không ít phụ huynh đã đưa con đi tiêm, tuy nhiên, vẫn còn những phụ huynh lo lắng sức khỏe của con bị ảnh hưởng vì các phản ứng sau tiêm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Tiêm chủng- trường Đại học Y Hà Nội, vaccine sởi được đánh giá là an toàn.

“Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vaccine khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì. Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi là rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế”- BS Thành cho biết.

Tiêm phòng sởi cho trẻ có nên trì hoãn? - Ảnh 2.

BS Nguyễn Văn Thành (đứng giữa) và các cán bộ tại Trung tâm tiêm chủng- Trường Đại học Y Hà Nội

Không ít cha mẹ cho rằng trẻ mắc sởi rồi có thể sinh miễn dịch và chủ quan không đưa các bé đi tiêm. Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Thành các bậc phụ huynh không nên chủ quan và vẫn nên đưa trẻ đi tiêm phòng các mũi phòng cách bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bắt buộc phải tiêm như Rubella, viêm não Nhật Bản, Bạch hầu ho gà uốn ván…

Thời điểm này tại các tỉnh phía Nam số ca mắc sởi tăng rất cao, đáng lo ngại, thêm nữa, trẻ cũng đang bước vào năm học mới, các em có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.. Vì thế, các chuyên gia y tế cho rằng việc tiêm phòng sởi dịp này sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.

“Riêng vaccine sởi, ở độ tuổi này trẻ rất cần tiêm nhắc lại 1 mũi vaccine Sởi, quai bị, Rubella. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng lưu ý cần nhắc lại các vaccine khác như bạch hầu ho gà uốn ván, cúm, …”- BS Thành khuyến cáo.

Theo nguyên tắc, đưa trẻ đi tiêm đúng lịch mang đến nhiều hiệu quả hơn. Khi đó kháng thể sẽ sản sinh ra nhiều và mạnh mẽ hơn, mang đến hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tuân thủ phác đồ tiêm phòng hoàn toàn với tất cả các mũi tiêm. Có nhiều phụ huynh vì bận rộn công việc nên quên lịch tiêm của con. Cũng có trường hợp trẻ bị ốm, sốt hoặc đang trong đợt điều trị bệnh với kháng sinh hoặc các loại thuốc khác thì việc hoãn tiêm cũng có thể xảy ra.

“Đối với những trường hợp bị bỏ lỡ lịch tiêm của con, hãy ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm y tế để thông báo tình hình và lên kế hoạch tiêm bổ sung. Bác sĩ sẽ tư vấn về những mũi tiêm còn thiếu và thời gian thích hợp để đảm bảo rằng bé vẫn được bảo vệ khỏi các bệnh tật nguy hiểm. Cha mẹ cần ghi nhớ nguyên tắc: nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Không cần thiết phải tiêm nhắc lại nếu như lần đến tiêm này cách xa hơn dự kiến so với lần tiêm trước. Các mũi tiêm sởi sẽ được tiêm tiếp theo phác đồ kể trên chứ không phải tiêm lại từ đầu.”, BS Nguyễn Văn Thành tư vấn.

Các mũi tiêm phòng sởi cho trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Trong Tiêm chủng mở rộng lịch tiêm cho trẻ em như sau:

9 tháng: Sởi đơn (TCMR)

18 – 24 tháng: Tiêm mũi sởi - rubella

Trong tiêm chủng dịch vụ:

9 – 12 tháng: Sởi – Quai bị - Rubella liều 1

Trên 12 tháng tuổi: Sởi quai bị Rubella liều 2

4-6 tuổi: Sởi – Quai bị - Rubella (liều nhắc lại)