Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, thay thế cho Quyết định 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định này.
So sánh biểu giá điện sinh hoạt hiện hành với đề xuất mới của Bộ Công Thương (Giá chưa bao gồm thuế GTGT). Bảng: Minh Phong
Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Với phương án đề xuất 5 bậc, bậc thấp nhất cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng, thay cho 50 kWh/tháng như hiện nay. Bậc cao nhất từ 701 kWh/tháng trở lên, thay cho 401 kWh/tháng trở lên.
Theo Bộ Công Thương, ở lần sửa đổi này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Cụ thể, giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (khoảng gần 33,5% tổng số hộ dùng điện cả nước).
Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù trừ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh. Bộ Công Thương nhấn mạnh giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ phương án giá sinh hoạt theo 5 bậc sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng; giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Bộ Công Thương cho biết chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng các hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh một tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) phải trả tăng tiền điện mỗi tháng.
So sánh tiền điện hàng tháng theo quy định 6 bậc hiện hành và phương án 5 bậc như đề xuất của Bộ Công Thương:
Điện tiêu thụ (kWh) | Số tiền trả hàng tháng theo quy định 6 bậc hiện hành (đồng) | Số tiền trả hàng tháng theo đề xuất 5 bậc (đồng) |
---|---|---|
50 | 90.300 | 90.300 |
100 | 183.600 | 180.600 |
200 | 400.300 | 397.300 |
300 | 673.200 | 670.200 |
400 | 978.299 | 995.200 |
500 | 1.293.399 | 1.320.200 |
600 | 1.608.499 | 1.645.200 |
700 | 1.923.599 | 1.970.200 |
800 | 2.238.699 | 2.331.400 |
Lấy dẫn chứng về một hộ gia đình sử dụng 300 kWh/tháng, với quy định hiện hành, số tiền điện phải trả là 673.200 đồng; với phương án đề xuất mới của Bộ Công Thương, số tiền phải trả là 670.277 đồng, đều chưa gồm thuế GTGT.
Có thể thấy, số tiền phải trả hàng tháng của hộ sử dụng 300 kWh/tháng thay đổi không đáng kể giữa quy định hiện hành và phương án mới của Bộ Công Thương đề xuất.
Giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng giá điện sản xuất
Theo báo cáo và tính toán của EVN và tư vấn tại Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá bán điện cho sản xuất hiện không phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện (thấp hơn so với chi phí phân bổ).
Bộ Công Thương cho rằng có thể áp dụng ngay phương án giá điện cơ sở lưu trú du lịch bằng giá điện sản xuất để đảm bảo lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất.
Theo đó, phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" có thể được xem xét để bù trừ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất từ 4-8% so với giá bán lẻ điện bình quân do hiện nay giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52-56%).
Bộ Công Thương đánh giá việc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người lao động ở các vùng miền, từ đó, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia.
Nhược điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương, là các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá từ 1,27-3,85%, gây tác động bất lợi đến các ngành sản xuất