Cụ thể, tính đến tháng 12/2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 13,37 triệu tỷ đồng, tăng 1,64 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 14,91%, đạt 6,84 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi của dân cư tăng 11,37%, đạt 6,53 triệu tỷ đồng.
Tổng phương tiện thanh toán (gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cùng các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực phi tài chính, khu vực hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam) đạt xấp xỉ 16 triệu tỷ đồng, tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư cao nhất từ trước đến nay bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm trong hầu hết các tháng của năm 2023.
Bên cạnh tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng có cũng là một trong những giải pháp “chữa bệnh thừa tiền” trong gần một năm qua.
Trong các cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú không ít lần nhắc lại thực trạng toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Hiện nay, lãi suất huy động tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giảm kể từ đầu năm 2024. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng tại Agribank và Vietcombank chỉ từ 1,6-1,9%/năm, từ 1,7-2,1%/năm tại BIDV và VietinBank.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng tại nhóm 4 ngân hàng lớn này chỉ từ 2,9-3,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12-24 tháng tại BIDV, VietinBank và Agribank là 4,7%/năm, còn tại Vietcombank là 4,6%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng, chủ yếu ở các kỳ hạn trung và dài hạn, trên 13 tháng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng nhẹ, chỉ từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm và tăng ở các kỳ hạn dài từ 13 - 36 tháng. Động thái này nhằm bổ sung vốn trung và dài hạn, đảm bảo tính an toàn hệ thống. Ở các kỳ hạn ngắn hạn, lãi suất vẫn tiếp tục xu hướng giảm, phản ánh sự dư thừa vốn tại hệ thống ngân hàng.