Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.

Theo đó, về dự toán chi thường xuyên, sẽ thực hiện giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2021 theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có); giảm số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Trường hợp chưa có quyết định của cấp thẩm quyền hoặc Đề án được duyệt, thì tinh giản bình quân 2,5% so với biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2020.

Tiền lương năm 2021 có giảm theo mức thắt chặt ngân sách? - Ảnh 1.

Dự toán ngân sách năm 2021, giảm chi hỗ trợ từ ngân sách tối thiểu 2,5% gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách. (Ảnh minh họa: KT)

Cùng với đó, giảm chi hỗ trợ từ ngân sách tối thiểu 2,5% gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020.

Việc giảm quỹ lương, chi cho bộ máy trong năm 2021 khiến các cán bộ công chức – những người hưởng lương từ NSNN lo lắng liệu tiền lương năm 2021 có giảm theo mức thắt chặt ngân sách? Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách không ảnh hưởng gì tới quỹ lương năm 2021.

Tiền lương năm 2021 có giảm theo mức thắt chặt ngân sách? - Ảnh 2.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

“Trong Nghị quyết 18 (Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả - PV) có yêu cầu giảm biên chế 10% trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, mỗi năm giảm khoảng 2-2,5% biên chế thì số biên chế khi giảm sẽ tinh giảm quỹ lương của 2,5% biên chế đó và giảm chi thường xuyên để phục vụ cho hoạt động của 2,5% biên chế đấy chứ không phải là giảm quỹ lương của cả bộ máy còn lại”, ông Võ Thành Hưng cho hay.

Theo đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, phần giảm quỹ lương trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là của số giảm biên chế và việc giảm đó cũng là điều kiện để có thể tăng lương cho số cán bộ công chức còn lại.

“Hiện chưa có con số cụ thể phần chi cho quỹ lương của năm 2021 mà trên có sở định hướng Bộ Tài chính đưa ra, các Bộ, ngành và địa phương báo cáo lên thì chúng tôi sẽ tổng hợp”, ông Hưng cho biết thêm.

Trước đó, báo cáo về công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu NSNN những tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668.700 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%).

Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.

Đồng thời, rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7./.